131 dự án chậm bàn giao
Báo cáo giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện các dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao, dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn thành phố tại HĐND TP. Đà Nẵng chiều 12/12, ông Nguyễn Thanh Tiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, toàn thành phố có 225 dự án có nguồn vốn đầu tư công chậm triển khai, chậm tiến độ.
Đáng chú ý, thành phố có 131 dự án thuộc diện chậm bàn giao, trong đó 56 dự án có nguồn vốn đầu tư công và 75 công trình, hạng mục công trình có nguồn vốn ngoài ngân sách.
Các đơn vị có dự án chậm bàn giao nhiều nhất là Công ty Vật liệu xây dựng xây lắp kinh doanh nhà với 33 dự án, Ban Giao thông 3 dự án, Ban xây dựng dân dụng công nghiệp 6 dự án, Ban hạ tầng đô thị 5 dự án và Ban hạ tầng ưu tiên 7 dự án thuộc gói thầu phát triển bền vững.
Ông Tiến cho biết, thành phố còn có 73 dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách được UBND thành phố và các cấp có thẩm quyền có quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư… nhưng đến nay vẫn có 19 dự án chưa triển khai; có 8 dự án được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư… trước năm 2016 nhưng chậm triển khai.
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng có 1.036 dự án, khu đất thuộc đối tượng kiểm tra tiến độ sử dụng đất; trong đó 155 dự án, khu đất đã gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định và 841 dự án, khu đất đang tiếp tục kiểm tra về tiến độ sử dụng đất...
Dự án Trung tâm thương mại, Văn phòng, Khách sạn, Căn hộ cao cấp - Viễn Đông Meridian ở số 84 Hùng Vương, quận Hải Châu chậm tiến độ. Ảnh: T.V. |
Theo kết quả giám sát, việc xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm bàn giao còn nhiều hạn chế do có những hạn chế trong một thời gian dài không được xem xét, tìm giải pháp xử lý.
Có thể kể đến như một số chủ đầu tư có năng lực quản lý, điều hành dự án còn hạn chế; công tác lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu chưa đáp ứng và phù hợp với thực tiễn, dẫn đến việc chậm hoàn thành hồ sơ, thủ tục, kéo dài tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Đặc biệt, có tình trạng nhà thầu chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong việc lưu trữ hồ sơ công trình, không phối hợp khắc phục, sửa chữa các hư hỏng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện bàn giao công trình theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trong việc rà soát xử lý các dự án chậm triển khai, chậm bàn giao, chậm đưa đất vào sử dụng còn chưa chặt chẽ.
Ngoài ra, tiến độ triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch tái thiết đô thị một số khu vực chậm cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc triển khai quy hoạch chi tiết các dự án để hoàn thiện các thủ tục triển khai thực hiện.
TP. Đà Nẵng có 131 dự án thuộc diện chậm bàn giao. Ảnh: T.V. |
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Ông Lương Công Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, nhiều dự án của công ty trước đây là doanh nghiệp nhà nước, nay đã cổ phần hoá, nhà thầu giải thể. Do đó dự án không đủ thủ tục theo quy định để nghiệm thu.
Ông Tuấn đề xuất trường hợp nào không có hồ sơ thì có thể nghiệm thu thực địa, bổ sung hồ sơ để bàn giao dự án, nhanh đi vào vận hành. Bên cạnh đó, có biện pháp linh hoạt, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nộp tiền duy tu từng năm thay vì đóng 3 năm.
Trong khi đó, ông Đinh Vui Phó Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP. Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan nâng cao chất lượng và trách nhiệm trong công tác thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lựa chọn nhà đầu tư.
Việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; chuyển đổi mục đích sử dụng đất... đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Ông Vui cũng cho rằng, cần phải nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền và năng lực thực sự của chủ đầu tư trong việc tổ chức thực hiện triển khai dự án. Nghiên cứu, đề xuất quy định mới, tiêu chí cụ thể để rà soát, thẩm tra năng lực thực chất của nhà đầu tư. Tái kiểm tra các dự án đã được kiểm tra, cho phép gia hạn tiến độ nhưng chưa hoàn thành.
Theo ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các dự án chậm triển khai đều xảy ra trước năm 2016, thậm chí có dự án từ năm 2002. Trong các năm qua, lãnh đạo thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thành phố sẽ phân ra 5 nhóm dự án. Đối với nhóm án dự án thuộc thẩm quyền của UBND thành phố sẽ có các giải pháp như bổ sung hồ sơ; tính lại giá đất để khắc phục sai phạm. Thời gian tới thành phố sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án chậm triển khai.
Tác giả: THÀNH VÂN
Nguồn tin: nhadautu.vn