Được sự động viên, thuyết phục của cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Lào Cai và Công an thị trấn Chi Động, huyện Mê Linh, Hà Nội, Giang đã đến Công an thị trấn Chi Động đầu thú. Sau khi hoàn tất hồ sơ, ngày 13-5, đối tượng đã được Công an huyện Mê Linh bàn giao cho Công an tỉnh Nam Định thụ lý theo thẩm quyền.
Thượng tá Đỗ Mạnh Tiến, Trưởng Phòng PC52, Công an tỉnh Lào Cai, một trong những người tham gia vận động đối tượng truy nã Bùi Thị Hương Giang ra đầu thú nhớ lại: Khoảng đầu năm 2017, anh có thông tin về Bùi Thị Hương Giang có quan hệ với một người dân đang sinh sống tại TP Lào Cai. Công dân này cũng từng là nạn nhân của Giang.
Ngay khi có nguồn tin trên, Phòng PC52 đã trao đổi tài liệu với Công an tỉnh Nam Định và bắt đầu thu thập thông tin về hành vi tội phạm của Giang.
Vụ án bắt nguồn từ đơn trình báo của nhiều công dân ở huyện Ý Yên (Nam Định) tố cáo đối tượng Dương Thị Hương (cũng trú tại Nam Định) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, đối tượng này đã vay 11,4 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng của 85 người dân ở thị trấn Lâm... Ngoài huy động lãi suất ở bên ngoài, Hương còn vay của một số tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện Ý Yên... Số tiền trên, Hương tiếp tục cho 24 người khác vay lại với lãi suất 4,5%/tháng để hưởng chênh lệch. Giang là một mắt xích trong cơn bão tín dụng đen xảy ra trên địa bàn tỉnh Nam Định vào thời điểm đó.
Quá trình đấu tranh, Công an tỉnh Nam Định xác định được 4 trường hợp đã vay tiền của Hương với số lượng lớn, gồm: Dương Xuân Tú, Dương Thị Hiền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Hằng Nga (đều ở thị trấn Lâm, huyện Ý Yên). Những người trên lại chuyển tiền cho Đỗ Văn Đại, khi đó đang là Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí và Thương mại Đại Phát, trụ sở tại huyện Ý Yên, Nam Định.
Đỗ Văn Đại sau khi nhận tiền của những người này còn huy động thêm của một số trường hợp khác và đều giao lại cho Bùi Thị Hương Giang vay lại gần 27 tỷ đồng, với lãi suất 2 triệu đồng/1 tỷ đồng tiền vay/ngày. Quá trình điều tra còn làm rõ, Giang còn trực tiếp vay của một số người khác ở Nam Định...
Trong vụ án này, Giang dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại vì luôn “nổ” rằng có người nhà đang làm việc tại một ngân hàng lớn tại tỉnh Bắc Ninh. Chính vì điều đó, nhiều bị hại đã tin tưởng và đưa tiền cho chị ta. Để làm tin, thời gian đầu Giang trả tiền lãi suất rất sòng phẳng, sau đó thì bỏ trốn.
Quá trình xác minh, Công an tỉnh Nam Định đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Giang. Trên thực tế, chị ta không dùng tiền để đưa cho người thân trong gia đình đáo nợ tại ngân hàng như lời đã hứa... Vụ án vào thời điểm đó gây xôn xao dư luận, để lại những hậu quả nặng nề.
Ngoài cảnh nhà tan, cửa nát, có trường hợp vì ham lãi suất đã huy động tiền gửi cho Giang vì cùng quẫn đã tìm đến cái chết như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hằng Ng, giáo viên của một trường cấp I ở Ý Yên. Vào thời điểm ra quyết định truy nã, Công an tỉnh Nam Định xác định đối tượng Giang đã lừa đảo chiếm đoạt gần 43 tỷ đồng.
Sau khi xác định hành vi phạm tội của Giang, thông qua công dân đang sinh sống ở Lào Cai, Thượng tá Đỗ Mạnh Tiến đã tác động tư tưởng, chủ động gặp bố, mẹ của Giang ở Nam Định. Từ sự e dè ban đầu, bố, mẹ Giang đã có sự chuyển biến về tư tưởng. Họ thấy rõ được sự khoan hồng của Nhà nước đối với những người thành tâm hối cải. “Song lúc này lại phát sinh thêm một tình huống phức tạp khác”, Thượng tá Đỗ Mạnh Tiến cho biết.
Trong quá trình trốn chui, trốn lủi, Giang đã kịp có thêm một cậu con trai 4 tuổi với một người đàn ông khác. Khi ấy, ngoài việc tác động qua gia đình vận động Giang ra đầu thú, anh còn phải thuyết phục bố, mẹ Giang đồng ý nuôi cậu con trai để chị ta yên tâm thụ án.
Ngày 7-5, mẹ và em trai của Giang đã đến Công an thị trấn Chi Động, huyện Mê Linh, đầu thú, kết thúc 8 năm trốn chạy.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân