Kinh tế

Tỷ phú từng giàu nhất châu Á trượt dốc vì khủng hoảng nợ nần

"Ông trùm" bất động sản người Trung Quốc Hui Ka Yan đang nhanh chóng trượt khỏi bảng xếp hạng người giàu khi tài sản lại "bay" thêm 3,35 tỷ USD do giá cổ phiếu Evergande lao dốc 26%.

Ông Hui Ka Yan từng đăng quang ngôi vị giàu nhất châu Á cách đây 4 năm (Ảnh: Getty).

Theo Forbes, cổ phiếu của Evergrande niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông đã giảm 68% trong hơn năm qua. Các nhà phân tích cho rằng nhà tài phiệt dường như hết cách để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ đang bùng lên.

Đó là một bi kịch đối với ông Hui, người từng đăng quang ngôi vị giàu nhất châu Á cách đây 4 năm khi tài sản ròng đạt mức cao nhất 45,3 tỷ USD. Giờ đây, tài sản ròng của ông chỉ còn 17,2 tỷ USD và không có gì đảm bảo là sẽ còn giảm thêm nữa.

"Ông trùm" bất động sản này đang nỗ lực xoay xở để giảm tổng số nợ khổng lồ 1.950 tỷ nhân dân tệ (301,6 tỷ USD) tính đến năm ngoái.

Theo Shen Chen, một đối tác tại Shanghai Maoliang Investment Management, ông Hui thực sự đã xoay xở để đưa Evergrande thoát khỏi khó khăn thông qua nhiều cách thức khác nhau như mua cổ phần và bán nợ. Nhưng lần này thì khác.

"Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đang gia tăng. Công ty chắc chắn sẽ gặp vấn đề vì không có quyền tiếp cận nguồn tài chính mới và cũng không thể xử lý nhanh tài sản để có thêm tiền", Shen nói.

Giới đầu tư lo ngại, các tổ chức tài chính có thể cắt nguồn vốn của Evergrande và yêu cầu công ty này trả nợ ngay lập tức.

Tuần trước, một tòa án địa phương đã phong tỏa 132 triệu Nhân dân tệ mà Evergrande đã gửi cho công ty con nắm giữ theo yêu cầu của phía Ngân hàng Guangfa Trung Quốc. Evergrand dọa sẽ kiện ngân hàng này vì khoản vay đó đến tháng 3 năm sau mới đến hạn trả.

Bà Zhou Chuanyi, một nhà phân tích tín dụng tại Lucror Analytics có trụ sở tại Singapore, cho rằng hành động của Guangfa có thể là do lo ngại về khả năng trả nợ của Evergrande. Theo báo cáo thường niên của công ty, cuối năm 2020, công ty chỉ còn 158,8 tỷ Nhân dân tệ tiền mặt và các khoản tương đương, trong khi đó, số nợ phải trả trong 12 tháng tới là 335,5 tỷ Nhân dân tệ.

Theo bà, trong trường hợp bình thường, các ngân hàng sẽ không khởi kiện Evergrande. Nhưng khi các chủ nợ ngày càng lo lắng và muốn bảo vệ tiền của mình thì sẽ có nhiều tổ chức tài chính làm theo.

Trong khi đó, ông Hui đang đối mặt với khó khăn về pháp lý và gần như bế tắc trong việc tìm được nguồn cho vay khác. Trong khi đó, nguồn vốn ủy thác mà Fitch Rating ước tính chiếm khoảng 40% nợ phải trả lãi đang bị Trung Quốc thắt chặt. Công ty này đã rơi vào diện cảnh báo do sử dụng quá nhiều đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản. Evergrande cũng không thể phát hành bất kỳ trái phiếu mới ở thị trường nước ngoài trong năm nay.

Hiện công ty đang phải sử dụng các quỹ riêng của mình để thu xếp khoản thanh toán trị giá 13,6 tỷ HKD (tương đương 1,75 tỷ USD) cho trái phiếu đến hạn vào tháng 6.

Các nhà đầu tư cho rằng, Evergrande đơn giản chỉ là hoán đổi hình thức nợ. Các khoản nợ phải trả, bao gồm cả thương phiếu, đã tăng 13,5% lên 829,2 tỷ Nhân dân tệ trong năm ngoái.

Các nhà phân tích cho rằng, vị tỷ phú này vẫn có thể huy động vốn bằng cách bán các tài sản với giá rẻ và đưa các công ty con không phải là cốt lõi lên sàn. Theo kết quả chưa được kiểm toán, công ty đã thu về 321 tỷ Nhân dân tệ tiền mặt từ việc bán tài sản trong 6 tháng đầu năm. Năm ngoái, Evergrande cũng đã niêm yết công ty dịch vụ bất động sản của mình ở Hồng Kông, huy động được 1,8 tỷ USD.

Hiện công ty đang xem xét đưa đơn vị sản xuất nước đóng chai Evergrande Spring lên sàn, theo Bloomberg. Tuy nhiên, Shen cho rằng, không rõ các nhà đầu tư sẽ phản ứng ra sao, đặc biệt khi công ty mẹ đang sa lầy trong nợ nần.

Tác giả: Nhật Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP