Thế giới

Cháy rừng kỷ lục có thể đẩy Mỹ vào khủng hoảng tài chính

Tình từ đầu năm, diện tích cháy rừng tại bang California lên tới 1,3 triệu ha, mức cao kỷ lục kể từ khi Sở Lâm nghiệp và cứu hỏa Califorina (Cal Fire) bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1987.

Các nhà kinh tế thường coi các thảm họa như cháy rừng chỉ gây ra cú sốc cục bộ với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi.

Theo một báo cáo mới đây từ hội đồng cố vấn của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), cháy rừng kỷ lục ở miền Tây Nước Mỹ không chỉ gây ra những thiệt hại về vật chất trước mắt mà còn có nguy cơ gây ra phá sản hàng loạt, gián đoạn thị trường và tồi tệ nhất là đẩy nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính.

Hội đồng cố vấn này gồm 35 thành viên là đại diện từ các hãng dầu mỏ, ngân hàng hay công ty quản lý tài sản lớn. Theo nhóm này, cháy rừng khiến giá nhà giảm và từ đó làm tăng rủi ro vỡ nợ thế chấp. Càng nhiều người vay phá sản thì gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng, các công ty cho vay thế chấp và các thị trường giao dịch tài sản thế chấp.

Cách đây một thập kỷ, vấn đề liên quan tới các khoản vay thế chấp cũng châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.

Lính cứu hỏa vật lộn với một đám cháy rừng tại California hôm 11/9. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu từ CalFire, cơ quan cứu hỏa bang California, khoảng 3 triệu trong tổng số 12 triệu căn nhà tại bang này có nguy cơ bị phá hủy bởi hỏa hoạn. Đây được đánh giá là một tỷ lệ tương cao, gây ra những rủi ro lớn cho thị trường bất động sản tại California - bang có nền kinh tế lớn nhất nước Mỹ.

Sau năm 2018 - năm xảy ra cháy rừng tồi tệ nhất của bang California tính theo thiệt hại về người và tài sản, một số hãng bảo hiểm đã bắt đầu quan ngại về việc gia hạn chính sách bảo hiểm nhà. Do đó, một số lượng lớn người sở hữu nhà tại bang này đã phải quay sang mua các gói bảo hiểm đắt đỏ. Điều này khiến giá nhà sụt giảm mạnh.

“Điều này cũng tương tự như tác động của tình trạng nước biển dâng cao hay bão lũ tới giá trị bất động sản”, Dave Jones, cựu quan chức về lập pháp trong lĩnh vực bảo hiểm tại California, cho biết.

Theo báo cáo trên từ CFTC, giá nhà sụt giảm khiến doanh thu thuế bất động sản của các thành phố giảm theo, từ đó ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của họ và có thể dẫn tới vỡ nợ trái phiếu.

Không chỉ ảnh hưởng tới bất động sản, cháy rừng cũng gây ra gián đoạn trong hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Điều này tạo ra tác động kép tới tài chính của các thành phố do thất thu thuế, từ đó gây áp lực lớn tới hệ thống tài chính của toàn nước Mỹ.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng những thảm họa như cháy rừng có thể ảnh hưởng tới nhận thức của nhà đầu tư về rủi ro trên thị trường. “Sự thay đổi đột ngột trong nhận thức của nhà đầu tư về rủi ro liên quan tới khí hậu có thể châm ngòi cho làn sóng định giá lại tài sản một cách hỗn loạn. Điều này gây ra ‘hiệu ứng thác nước’ tới các danh mục đầu tư và bảng cân đối kế toán, từ đó gây ra bất ổn tài chính”, báo cáo cho biết.

Tính đến này 12/9, các vụ cháy rừng đã thiêu rụi diện tích gần 2 triệu ha và khiến 27 người chết ở Bờ Tây nước Mỹ. Trong đó, riêng tại California, diện tích cháy rừng đã lên tới 1,3 triệu ha, mức cao kỷ lục kể từ khi Sở Lâm nghiệp và cứu hỏa Califorina (Cal Fire) bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1987.



Tác giả: Trà My

Nguồn tin: phapluatplus.vn

  Từ khóa: cháy rừng , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP