Sáng 30/11, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm. Trong báo cáo của Bộ GD&ĐT đã có những dự kiến phương hướng công tác tuyển sinh năm 2023 và từ năm 2025 khi có thí sinh tốt nghiệp chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Rút ngắn thời gian xét tuyển
Theo báo cáo, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh trong quá trình xét tuyển.
Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Có gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học (Ảnh: Hữu Thắng). |
Ngoài ra, sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT lưu ý về định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học
Tổng kết về công tác tuyển sinh khối đại học và cao đẳng sư phạm năm 2022, báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu rõ công tác tuyển sinh cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây kết hợp với một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.
Theo đó, các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các trường tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.
Kết thúc tuyển sinh đợt 1, số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đã thể hiện kết quả rất khả quan. Thống kê riêng khối đại học, trong số 564.735 thí sinh trúng tuyển đã có 463.123 nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021 và vượt cả số lượng của cả năm 2020.
Trong số 224 cơ sở đào tạo đầu mối, 149 đơn vị (66,5%) có tỉ lệ nhập học tính trên số trúng tuyển đạt trên 80% và chiếm 76,6% tổng số nhập học của toàn quốc.
Năm 2022, có 113 cơ sở đào tạo (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu (Ảnh: Hữu Thắng). |
Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 cơ sở đào tạo (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu. Công tác tuyển sinh được thực hiện đảm bảo an toàn, công khai minh bạch, đúng quy chế.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế của công tác tuyển sinh năm 2022. Trong đó có việc thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến.
Theo Bộ GD&ĐT, một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung nhưng không báo cáo kết quả lên hệ thống theo quy định.
Bộ GD&ĐT đánh giá một số ngành đào tạo còn gặp khó khăn trong tuyển sinh, một số đơn vị xét tuyển sớm chưa hiệu quả, thí sinh phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại trường đại học. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời.
Tác giả: Nguyễn Hoa Trà
Nguồn tin: nguoiduatin.vn