Đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 nêu những khó khăn khi khai báo ngành, chỉ tiêu theo quy định mới của phần mềm |
Tăng cường vai trò các trường ĐH
PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết năm 2019 quy chế thi THPT quốc gia có nhiều thay đổi và kèm theo đó trách nhiệm của các đơn vị liên quan để đảm bảo kỳ thi tốt hơn về tổ chức, coi thi, chấm thi, kết quả trung thực và đủ tin cậy để các trường ĐH, CĐ, TC sử dụng để xét tuyển. Các giải pháp được tăng cường như việc sắp xếp phòng thi có sự thay đổi, thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên xếp thi chung với thí sinh THPT; về coi thi cũng đưa ra hàng rào kỹ thuật về việc niêm phong, quản lý bài thi, dùng camera giám sát, phân rõ trách nhiệm các thành viên trong hội đồng; công tác chấm thi trắc nghiệm có sự tham gia của các trường đại học trực tiếp chấm trắc nghiệm, giám đốc sở GD-ĐT ký quyết định thành lập hội đồng chấm trắc nghiệm có các trường đại học; việc xét tốt nghiệp THPT cũng thay đổi theo tỷ lệ 70% (bài thi THPT quốc gia) và 30% (điểm trung bình cả năm lớp 12).
Bên cạnh đó, năm nay các trường ĐH thuộc cấp tỉnh sẽ không làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi tại địa phương mà phải di chuyển sang địa phương khác. Việc này sẽ do Bộ GD-ĐT điều phối. Mỗi trường cử 5 - 8 cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm.
“Trong 4 năm qua, các trường ĐH đã hỗ trợ rất nhiều cho kỳ thi THPT quốc gia. Song, bên cạnh đó vẫn có những chuyện không hay xảy ra, đó là có một số trường - tôi không tiện nêu tên cụ thể - né tránh việc phối hợp, cử cán bộ đi coi thi. Thậm chí có trường còn ra điều kiện, yêu sách này kia với các sở GD-ĐT ở địa phương. Có trường khi khảo sát điều kiện đảm bảo chất lượng thì đội ngũ rất hùng hậu, nhưng khi cử cán bộ coi thi thì “quả bưởi biến thành quả cam”. Đến khi tôi nói sẽ cho kiểm tra lại thì ngay lập tức cử người rất đàng hoàng. Vì vậy, tôi cũng như nhiều trường khác trên cả nước không muốn sự việc này tái diễn”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trinh, trong năm nay với sự thay đổi về chấm thi, coi thi nên đề nghị các trường hỗ trợ đội ngũ cán bộ có chất lượng để cùng Bộ GD-ĐT và các địa phương coi thi, chấm thi trắc nghiệm. Năm 2019, công tác chấm thi sẽ làm rất kỹ nên so với năm ngoái, việc công bố điểm thi THPT quốc gia sẽ trễ hơn so với năm 2018 vài ngày.
Nóng chuyện xét tuyển
Phần thảo luận góp ý tại buổi tập huấn chủ yếu xoay quanh các quy định về xét tuyển. Nóng nhất vẫn là ý kiến xoay quanh phần mềm xét tuyển chung và những quy định về điểm sàn của 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe.
Sau khi đại diện Viettel trình bày phần mềm xét tuyển với những thay đổi về khai báo ngành chuẩn (theo đúng mã ngành hiện hành), chỉ tiêu cho từng loại hình đào tạo, chỉ tiêu từng phương thức, khai báo điều kiện sơ tuyển…) rất nhiều ý kiến băn khoăn được nêu ra.
Đại diện Khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: Khoa có nhiều ngành đặc thù, liên ngành mới nhưng lại chưa có mã ngành theo đúng quy định nên đến giờ hệ thống phần mềm không chấp nhận và vẫn chưa thể hoàn thành đề án để báo cáo. Ngoài ra, một số ngành cũng thực hiện sơ tuyển phỏng vấn nhưng khai báo trên phần mềm lại không có điều kiện này.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: Vừa rồi đăng ký thì phần mềm không chấp nhận các ngành Phương pháp lý luận của bộ môn Hóa, Lý, Toán… Do đó, việc đăng ký chỉ tiêu cho từng ngành phần mềm không chấp nhận. Ngoài ra, năm 2018 sau khi thí sinh trúng tuyển thì phát hiện một thí sinh không đạt điều kiện hạnh kiểm phải loại khá, tốt. Tại sao phần mềm lại không có điều kiện này để giúp các trường sàng lọc thí sinh?
Giải đáp những băn khoăn trên, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng: “Do phần mềm chưa cập nhập điều kiện này nên không chỉ riêng ĐH Quốc gia Hà Nội mà nhiều trường khác, chúng tôi cũng giải quyết để cấp mã ngành mới nhằm giúp thuận lợi cho các trường”. Ông Mai Văn Trinh lý giải thêm, do tuyển sinh có quá nhiều điều kiện nên phần mềm không thể cập nhật kịp nên các trường phải chịu khó thực hiện để hỗ trợ.
Phần xét tuyển nhóm ngành sức khỏe, nhiều trường có đào tạo ngành này băn khoăn và đặt giả thuyết: nếu xét học bạ 3 môn Toán, Hóa, Sinh và tổng điểm đạt 18 là đậu và đạt quy định đầu vào là học lực khá, giỏi thì có vi phạm quy chế? Dùng 1 môn thi THPT quốc gia và 2 môn xét học bạ thì như thế nào? Trả lời thắc mắc này, ông Phạm Như Nghệ cho rằng điểm môn thi THPT quốc gia phải căn cứ theo điểm sàn của bộ công bố. Điểm 2 môn xét học bạ là do trường thực hiện, nhưng với điều kiện điểm trung bình năm lớp 12 phải đạt khá, giỏi.
Ông Dương Tôn Thái Dương, đại diện ĐH Quốc gia TPHCM, nêu vấn đề ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì “nhóm lọc ảo” phía Nam với hơn 86 trường. Trong năm 2018 đã từng nêu ý kiến Bộ GD-ĐT phải cung cấp dữ liệu sớm để tiến hành lọc ảo thuận lợi nhưng không được. Do đó, năm nay vẫn kiến nghị bộ giải quyết vấn đề này. Hồi đáp lại, ông Mai Văn Trinh công nhận đúng là năm rồi bộ không làm kịp và năm nay sẽ nỗ lực để đáp ứng. Tuy nhiên, phần mềm phải xử lý muôn vàn điều kiện nên rất khó nói trước và mong các trường chia sẻ với bộ.
Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), hiện đã có 193 trường (cả nước có 235 trường, chưa tính các trường ĐH, học viện khối an ninh, quốc phòng) gửi báo cáo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019, nhưng chỉ có 41 trường được duyệt, 2 trường bị trả về. Trong đó, các trường sư phạm chưa xác định được chỉ tiêu vì phải chờ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký duyệt sau khi rà soát, tổng hợp nhu cầu của 63 tỉnh, thành. |
Tác giả: THANH HÙNG
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng