Kết quả xét nghiệm mẫu nước cho thấy, hàm lượng NH4 vượt mức giới hạn cho phép của cá nuôi từ 5,6 - 11 lần, hàm lượng NO2 vượt giới hạn cho phép từ 10-20 lần theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Kết quả kiểm tra tại chỗ ở các điểm cá chết cũng cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan đều thấp, dao động trong khoảng 2,6 – 3,2 mg/lít trong khi hàm lượng tối ưu khuyến cáo cho nuôi cá phải từ 4 mg/lít trở lên.
Người dân vớt cá chế bán cho thương lái làm phân bón. |
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt này, đại diện Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho rằng mực nước hồ hiện tại đã và đang rút xuống nhiều khiến các hộ nuôi cá neo đậu lồng bè khá dày, có xu hướng tập trung về phía chân cầu.
Những bè có cá chết đều bị ảnh hưởng từ nguồn nước ở thượng nguồn từ suối Tam Bung đổ về. Trước khi cá chết hàng loạt, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài hơn 7 tiếng, có thể mang lượng nước chảy về cuốn theo các chất ô nhiễm khác làm tăng tính độc của một số khí như NH3, H2S, CH4, NO2... dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt.
Dù vậy kết quả cuối cùng về nguyên nhân cá chết vẫn đang phải chờ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 phân tích bệnh của cá và Trung tâm dịch vụ phân tích môi trường TP Hồ Chí Minh phân tích một số chỉ tiêu môi trường và kết quả điều tra của Cảnh sát môi trường Đồng Nai.
Trong khi đó những người dân nuôi cá bị thiệt hại, 2 ngày qua đều đứng ngồi không yên vì cá chết coi như tài sản mất trắng, nợ ngân hàng lại thêm chồng chất.
Ngày 22-5 không còn cách nào khác, các hộ dân đã phải vớt cá chết lên để bán với giá giá từ 2 đến 3 ngàn đồng/kg cho thương lái về làm phân bón và làm mắm.
Tác giả: Ngọc Sơn
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân