Quang cảnh Hội thảo. |
Là người gắn bó và tâm huyết với công tác quy hoạch thành phố, KTS Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Đà Nẵng cho biết, trong 20 năm Đà Nẵng có hơn 1.000 đồ án kiến trúc quy hoạch, hàng ngàn dự án, hàng trăm công trình trọng điểm.
Đà Nẵng từ mảnh đất nhỏ bé nằm tại cửa biển của miền Trung đã trở thành niềm tự hào của cả nước về quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội và ngày càng khẳng định vị thế đầu tàu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Cũng theo KTS Hoàng Quang Huy, tốc độ phát triển nhanh trong quy hoạch phát triển đô thị đã được xem là “thước đo” trình độ, tầm nhìn mang tính chiến lược của đô thị Đà Nẵng. Đà Nẵng đã có một diện mạo mới – hiện đại, trẻ trung, văn minh, xứng đáng với tâm thế mới trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.
Tuy vậy, công tác quy hoạch vẫn còn một số hạn chế như một số điểm nhấn kiến trúc ven sông, ven biển quản lý chưa tốt, chưa tạo được bộ mặt kiến trúc đặc sắc cho khu vực trọng điểm của thành phố; công tác giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo môi trường sinh thái chưa được chú trọng; diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước, phúc lợi công cộng còn hạn chế;…
Để đô thị Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai trở thành thành phố tầm cỡ khu vực ASEAN và Châu Á, KTS Hoàng Quang Huy cho rằng, Đà Nẵng cần rà soát lại quy hoạch hiện nay, phân định chức năng hợp lý, mở rộng không gian trung tâm thành phố nhằm tạo quỹ đất cho hoạt động đầu tư lớn; sử dụng quỹ đất cẩn trọng, hiệu quả, phát triển đô thị nén một số khu vực cần thiết, tạo thêm quỹ đất cây xanh cho khu vực trung tâm, kéo dài bờ sông, bờ biển; dành quỹ đất cho phát triển các công trình dịch vụ y tế, giáo dục; xây dựng chính sách xây dựng và nuôi dưỡng lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân mạnh, biết làm giàu, tiên phong khai phá các chương trình phát triển của thành phố;…
Theo GS-TS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội quy hoạch Đô thị Việt Nam, Đà Nẵng là một trong 5 thành phố lớn nhất Việt Nam; là một trong những cảng quan trọng nhất của đất nước, có vị trí trọng yếu cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng về đường biển, đường sắt, đường bộ, đường hàng không; là cửa ngõ giao thương với các nước khu vực tiểu vùng Mê Kông ASEAN; là một trong 3 lõi quan trọng phát triển của đất nước…
Đà Nẵng quyết tâm “tô điểm” cho sông Hàn thông qua cuộc thi quốc tế về kiến trúc cảnh quan sông Hàn. |
GS-TS Đỗ Hậu nhìn nhận: “Trong những năm qua, Đà Nẵng tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng tạo diện mạo mới trẻ trung, văn minh, hiện đại được cả nước đã ghi nhận và coi Đà Nẵng là thành phố đáng sống. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn trong quy hoạch phát triển đô thị vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như khả năng dự báo chưa đúng thực tế; quy hoạch đôi khi còn chạy theo nhu cầu của thị trường BĐS, các nhà đầu tư; quy hoạch thiên về giá trị đất, thiếu quan tâm về giá trị mặt nước; nhiều khu đô thị thiết kế chưa đủ tiêu chuẩn; công tác đấu nối hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang đối diện với thách thức gia tăng dân số, cạn kiệt quỹ đất, rủi ro thiên tai”. Do đó, GS-TS Đỗ Hậu đề nghị thành phố cần xem xét rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã được lập trong giai đoạn trước theo hướng lồng ghép các giải pháp quản lý thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; bổ sung các quy hoạch phân khu còn thiếu…
Đặt vấn đề Đà Nẵng đối mặt với thách thức cạn kiệt quỹ đất trước áp lực dân số gia tăng đến 3 triệu dân trong tương lai, TS-KTS Ngô Trung Hải, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) cho rằng Đà Nẵng cần chú trọng xây dựng đô thị nén; tập trung phát triển vận tải công cộng; xây dựng các tòa nhà cao tầng ở trung tâm đô thị hiện tại và các khu vực lân cận; mở rộng không gian đô thị địa giới hành chính…
Cũng đề cập đến áp lực quỹ đất cạn kiệt, TS Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng đang đối diện với tăng trưởng nóng về quy hoạch đô thị do vậy, thành phố cần tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng xác định quy mô dân số hợp lý, phù hợp với quỹ đất phát triển đô thị; xây dựng đô thị theo mô hình nén để tiết kiệm đất; đẩy mạnh và tăng cường kiểm soát các quy hoạch chi tiết 1/500 nhất là khâu thẩm định đồ án đảm bảo tuân thủ các trình tự thủ tục và tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành.
Táo bạo hơn, PGT-TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, đã đến lúc Đà Nẵng chú trọng phát triển không gian ngầm dưới lòng đất vừa giải được bài toán quỹ đất cạn kiệt vừa đảm bảo an ninh quốc phòng. Theo PGT-TS Nguyễn Hồng Tiến, không gian ngầm là tài nguyên quý báu cần được nghiên cứu, quản lý và khai thác có hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị, năng lực cơ sở hạ tầng, góp phần giữ gìn cảnh quan lịch sử văn hóa, tăng diện tích xanh, cải thiện sinh thái đô thị, góp phần phát triển đô thị bền vững đô thị Đà Nẵng.
Để Đà Nẵng thực sự trở thành đô thị hạt nhân, động lực của khu vực miền Trung, TS- KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam gợi ý, Đà Nẵng cần phải tổ chức lại không gian đô thị, lấy yếu tố mặt nước, sông, biển, các điều kiện tự nhiên, địa hình tự nhiên làm tư tưởng chính để phát huy lợi thế và tạo ra bản sắc cho đô thị.
Trong đó, khu vực đô thị lõi lịch sử là trục cảnh quan sông Hàn – trục hành chính thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, lịch sử, đào tạo, y tế; tạo dựng các trục cảnh quan theo lưu vực các con sông Cu Đê, Cổ Cò, các hồ hiện có trong đô thị; xây dựng bản sắc riêng cho từng khu chức năng đô thị, thậm chí từng góc phố, từng con đường…
Tác giả: XUÂN ĐƯƠNG
Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng