Chiều 27/9 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương đã đóng góp nhiều giải pháp mang tính liên ngành, liên vùng với tầm nhìn dài hạn để chuyển đổi hiệu quả trong quy hoạch tổng thể, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Lãnh đạo địa phương, nhà khoa học cùng hiến kế
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng đề xuất 5 vấn đề: Nâng cao chất lượng dự báo, thông tin chỉ đạo điều hành, tuyên truyền về biến đổi khí hậu; có giải pháp công trình, phi công trình cấp quốc gia để bảo vệ đất, phù sa, ngăn chặn sạt lở hiệu quả; quyết đoán bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt...
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng chúng ta phải sử dụng hiệu quả, hợp lý những gì mình đang có. |
Ông Lê Minh Hoan- Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp cho rằng cần phải có sự hợp lực giữa 3 chủ thể: Nhà nước - Doanh nghiệp và người dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Hoan cũng đề xuất triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh; xây dựng đề án liên kết tiểu vùng; đầu tư kiến tạo mô hình các chuỗi giá trị cho từng ngành hàng; phát huy hiệu quả vai trò của kinh tế hợp tác trong tái cơ cấu kinh tế khu vực ĐBSCL; sớm đổi mới quy hoạch, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho vùng; định hướng xây dựng, phát triển các hiệp hội ngành hàng cấp vùng…
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng chúng ta phải sử dụng hiệu quả, hợp lý những gì mình đang có, không thể thụ động chờ đợi vào các quốc gia thượng nguồn, theo đó phải lựa chọn các giống cây, con phù hợp với từng điều kiện nguồn nước (lợ, nước ngọt, mặn).
Về sử dụng tiết kiệm nước, cần có giải pháp tích lũy nước trong mùa mưa, mùa lũ để dành sử dụng trong mùa khô; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, không cần thiết phải sản xuất lúa 3 vụ, có thể giảm số vụ theo hướng kết hợp giữa trồng lúa với nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả giá trị cao.
Giáo sư Xuân cũng cho rằng cần có chính sách hiệu quả, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thu hút nông dân vào hợp tác xã kiểu mới; khuyến khích sản xuất đa dạng theo nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm của vùng...
Bí thư Thành ủy TPHCM, Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị |
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích, TPHCM là đô thị lớn về dân số và kinh tế, nhưng điều kiện tự nhiên hoàn toàn giống các tỉnh trong vùng. “63,5% diện tích của TPHCM có độ cao dưới 1,5m, vì vậy thoát nước tự nhiên rất chậm, dễ gây ngập úng khi mưa và gần đây đối mặt với thách thức mới là biến đổi khí hậu. Theo tổ chức hợp tác phát triển kinh tế, xếp Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và TPHCM là 1 trong 10 thành phố trên thế giới bị đe doạ nhiều nhất về biến đổi khí hậu”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông Nhân cũng cho biết, TPHCM đang đối mặt với 3 thách thức. Thứ nhất là nước biển dâng; Dự báo đến năm 2100, nếu nước biển dâng khoảng 100cm thì gần 20% diện tích TPHCM có nguy cơ ngập, trong có quận, huyện có thể ngập đến 80%. Thứ hai là thay đổi trong chế độ mưa. Thứ ba là sụt lún nền đất.
Ông Nhân cũng cho rằng, những thách thức này đòi hỏi phải quy hoạch, sử dụng nguồn nước cho phù hợp. Tán thành với các giải pháp công trình, phi công trình, nghiên cứu kỹ việc trồng cây ven biển bảo vệ đất; đầu tư xây dựng các công trình chống ngập cục bộ, hoặc liên tỉnh; đầu tư xây dựng hệ thống đo đạc thông tin của cả vùng về các chỉ số sụt lún, sạt lở ven biển, lượng mưa, nước ngầm; phát triển nông nghiệp trong thời gian tới cần nghiên cứu giống cây, giống con cho cả vùng một cách hiệu quả phù hợp với các tiểu vùng nước ngọt, nước mặn, nước lợ…
Biến thách thức thành thời cơ
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, đồng thời kêu gọi các sáng kiến để cùng chung tay phát triển vùng ĐBSCL bền vững. Xây dựng vùng từ vựa lúa trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Sau hội nghị này sẽ có nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL.
Thủ tướng nêu ra 4 thách thức lớn đối với ĐBSCL. Đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ảnh hưởng nặng nề nhất trong 100 năm qua tại đây. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước sông Mekong sang lưu vực sông khác cũng là nguy cơ lớn đối với vùng này.
Các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người gây ra nhiều tổn thương và hệ lụy, gây ra hiện tượng sụt lún lớn với tốc độ nhanh, mức độ ngày càng nghiêm trọng, môi trường bị suy thoái do ô nhiễm nước, không khí và tàn phá rừng ngập mặn nặng nề.
“Như vùng bán đảo Cà Mau có trên 10.000 giếng khoan nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản thì làm sao không gây sụt lún được?”, Thủ tướng dẫn chứng đã có 562 điểm sạt lở sông, biển trên chiều dài gần 800 km; trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại 40 điểm trên chiều dài 130 km. Mỗi năm, chúng ta đang mất khoảng 300 ha đất, lãnh thổ với xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, Thủ tướng lo lắng.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần biến thách thức thành thời cơ |
Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực cũng là một thách thức bởi Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng trũng về giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa và hạ tầng cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi đó, nhân lực chất lượng cao có xu hướng dịch chuyển khỏi vùng, nhất là trong bối cảnh vùng đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và khoảng cách phát triển ngày càng xa với thế giới trong làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng nhấn mạnh phải giữ được đất, giữ được nước và đặc biệt là giữ được người thì mới gọi là thành công trong việc chống chọi với thiên nhiên, thích ứng với thiên nhiên ĐBSCL theo tinh thần phát triển bền vững.
Theo thủ tướng 3 quan điểm phát triển ĐBSCL bền vững: Chủ động biến thách thức thành cơ hội bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân, bảo tồn được những giá trị văn hoá truyền thống.
Thứ hai, thay đổi tư duy phát triển cổ điển sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. “Lương thực không phải là chống đói mà lương thực là dinh dưỡng, phòng bệnh và chữa bệnh. Vì vậy ĐBSCL phải có thương hiệu nông sản nổi tiếng”.
Thứ ba, tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng với tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, với mặn. Xác định biến đổi khí hậu, nước biển dâng là tất yếu, coi nước lợ, nước mặn cũng là tài nguyên. Ưu tiên các công trình cấp bách, đầu tư không hối tiếc, cấp bách có công trình phục vụ nhân dân.
Thu nhập bình quân người dân ĐBSCL phải đạt gần 10.000USD/người/năm
Theo Thủ tướng không phải chỉ thích ứng với ngoại cảnh mà còn tận dụng, phát triển để tăng trưởng kinh tế của vùng cũng như sinh kế của địa phương, đặt mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân. Mục tiêu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng phát triển khá so với cả nước, GDP đạt gần 10.000USD/người/năm.
“Quan điểm của Chính phủ, của Đảng Cộng sản Việt Nam là phát triển để phục vụ người dân là quan trọng nhất, với một tinh thần giảm khoảng cách giàu nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến năm 2020 giải ngân có hiệu quả 1 tỷ USD để làm một số công trình: Cống sông Cái lớn - Cái bé, cống Trà Sư, Tha La, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng...
Thủ tướng yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐBSCL phục vụ thích ứng BĐKH và sinh kế bền vững. Nghiên cứu xây dựng Chương trình đồng bằng thích ứng dưới dạng một dự án tổng thể có mục tiêu dài hạn là giữ cho ĐBSCL an toàn về lâu dài và là một nơi hấp dẫn để sinh sống và làm việc, kể cả chính sách hạn điền ở khu vực này.
Thủ tướng giao các cơ quan tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của đại diện các địa phương, tổ chức quốc tế, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL để Chính phủ bàn trong kỳ họp thường kỳ tháng 9/2017.
Để phát triển bền vững vùng đất Chín Rồng, định kỳ 2 năm một lần Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị có quy mô tương đương hội nghị này để cùng bàn thảo kế hoạch, rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chủ trương, giải pháp để chung tay xây dựng, đưa ĐBSCL đi đến một tương lai tươi sáng hơn.
Tác giả: Phạm Tâm
Nguồn tin: Báo Dân trí