Trong nước

Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị “xóa sổ” trong 100 năm tới?

Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - nhận định: “Nếu không kịp thời ngăn chặn, sạt lở sẽ phá tan ĐBSCL, có thể 100-200 năm nữa không còn ĐBSCL. Nếu có giông lốc cấp 10-11 thì có thể xảy ra thảm họa vì nhà cửa ở ĐBSCL sẽ hư hỏng hoàn toàn”.

Nước biển dâng và xâm nhập mặn đang đe dọa sinh kế của người dân ĐBSCL

Trong phiên thảo luận chuyên đề Tổng quan về thách thức và cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sáng nay (26/9), tại TP Cần Thơ, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đã nêu lên những thách thức và nguy cơ đe dọa thường trực với vùng ĐBSCL.

“Tôi hình dung trong giai đoạn sắp tới ĐBSCL đứng trước nguy cơ lớn về thiên tai. Đó là nước biển dâng, là những cơn bão lớn, lốc xoáy sẽ đến và làm đảo lộn hết các sinh hoạt, kể cả sản xuất. Do đó người dân rất cần nhưng thông tin cảnh báo.

Giải pháp cho người dân và chính quyền là cần cung cấp cho họ dự báo kịp thời, cập nhật theo thời gian rồi cung cấp các kịch bản cho chính quyền và người dân biết một vài năm tới điều gì sẽ diễn ra ở ĐBSCL” - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (ảnh: CAND)

Theo ông Thể, cơ quan dự báo cần cung cấp cho người dân biết 5-10 năm nữa hay 30 năm nữa điều gì diễn ra ở ĐBSCL để người dân cũng như chính quyền có những chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, tạo an sinh và thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu.

ĐBSCL được mệnh danh là vùng hiền hòa, không có mưa bão, không có giông lốc lớn, vì vậy nếu xảy ra giông lốc và bão thì đó là thảm họa.

“Nếu có các cơn bão, giông lốc cấp 10-11, tôi nghĩ hầu như các nhà cửa ở ĐBSCL sẽ hư hỏng hoàn toàn. Đây là thảm cảnh nguy hiểm. Ngay từ bây giờ, những khu xây dựng mới cần có mô hình nhà ở thích nghi được với biến đổi khí hậu, nếu làm tiếp nhà theo mô hình cũ, khi có những cơn bão lớn, giông lốc lớn, chắc chắn ở đây sẽ xảy ra thảm họa rất nghiêm trọng" - ông Thể nói.

Đề cập đến vấn đề nước biển dâng, ông Thể nhấn mạnh: ĐBSCL hiện nay đang có nguy cơ chìm sâu trong nước biển. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, tan băng làm nước biển dâng cao lê và do khai thác nước ngầm quá mức. Một số vùng như Sóc Trăng trong 25 năm qua đã lún xuống 25cm.

Các nhà khoa học đã dự báo 100 năm nữa có thể không còn ĐBSCL bởi vấn đề sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng. Nước biển dâng kết hợp với biến đổi khí hậu thì bão sẽ mạnh hơn, giông lốc mạnh hơn, sóng biển sẽ tác động đến tất cả hệ thống đê ở ĐBSCL, những chỗ đó đều xảy ra sạt lở.

“Hiện nay cứ sạt lở là dẫn tới mất đất, nếu không kịp thời ngăn chặn, sạt lở có thể phá tan ĐBSCL, có thể 100-200 năm nữa không còn ĐBSCL. Nếu không còn ĐBSCL nữa, hàng triệu người dân ở xứ này sống ở đâu, đi về đâu, làm gì để sống?” - ông Thể bày tỏ quan ngại.

Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được Bộ Tài Nguyên và Môi trường cập nhật năm 2016, lượng mưa trung bình, nhiệt độ trung bình sẽ tăng. Có một sự phân hóa khá rõ về nhiệt độ cũng như về lượng mưa giữa các mùa. Nước biển sẽ dâng vào năm 2100 dự báo từ 53 đến 73cm.

Trong khi đó, tại ĐBSCL, từ năm 2005 đến nay bờ biển bị sạt lở với tốc độ khoảng 300 ha/năm, xảy ra chủ yếu dọc bờ biển Kiên Giang và Cà Mau. Đa số các khu vực ở ĐBSCL lún 5-10 cm, đặc biệt khu vực ven biển Cà Mau, Bạc Liêu lún hơn 10 cm trong giai đoạn 2010-2015.

Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại TP Cần Thơ trong 2 ngày 26-27/9, do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tổ chức. Đây là Hội nghị lớn nhất từ trước tới nay bàn vấn đề này, kết quả của Hội nghị sẽ là cơ sở để Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP