Nhưng trên thực tế, nhiều DN vẫn đầu tư mạnh vào phân khúc này, vậy đâu là nguyên nhân?
Hiệu ứng “thành phố của sự kiện”
Năm 2016, Đà Nẵng là TP duy nhất ở châu Á được Tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards (WTA) vinh danh là “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”.
Vượt qua những đối thủ sừng sỏ về du lịch như Bangkok, Bắc Kinh, Hồng Kông (Trung Quốc), Kuala Lumpur, Ma Cao, Seoul, Thượng Hải và Singapore. Giới chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nhận định, việc Đà Nẵng giật được giải “Oscar ngành du lịch” của WTA đã ghi nhận những nỗ lực của chính quyền TP về những cơ chế cho ngành du lịch phát triển và khẳng định đúng vai trò, thế mạnh của ngành du lịch của TP trên bản đồ du lịch của khu vực và thế giới.
Đây cũng là cơ sở để du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn. Số liệu thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến với TP đạt 3,23 triệu lượt, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 1,22 triệu lượt, tăng 72,2% so với cùng kỳ, tổng doanh thu từ ngành du lịch đạt khoảng 7.500 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2016.
Các sự kiện lớn có tác động mạnh đến thị trường khách sạn Đà Nẵng. |
Với lợi thế về bãi biển đẹp và nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Đà Nẵng liên tục tăng mạnh theo các năm. Cụ thể, khách du lịch đến TP này tăng khoảng 20% mỗi năm, năm 2015 tổng lượng khách du lịch đạt 4,6 triệu lượt, năm 2016 tăng lên 5,51 triệu lượt.
Do lượng khách du lịch tăng mạnh dẫn đến nhu cầu về cơ sở lưu trú cũng tăng theo. Vì vậy, bước sang năm 2017, các DN, tập đoàn trong nước và quốc tế đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào thị trường khách sạn Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu này.
Hưởng lợi từ hạ tầng APEC
Để phục vụ cho Tuần lễ APEC 2017, TP Đà Nẵng đã được Chính phủ chấp thuận phê duyệt kinh phí để hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng lớn. Điểm nhấn trong quá trình đầu tư hạ tầng phục vụ APEC đó là việc xây Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng với tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng; Ngoài ra còn nhiều công trình khác cũng được đầu tư, nâng cấp như Trung tâm Hội nghị và triển lãm quốc tế Ariyana, khách sạn Sheraton, Công viên APEC...
Hiện có 25 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng đang hoạt động, trong đó có 12 đường bay trực tiếp thường kỳ và 13 đường bay trực tiếp thuê chuyến. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, TP đã xúc tiến mở thêm 4 đường bay thường kỳ đến Daegu, Incheon, Hồng Kông, Bangkok và một số đường bay thuê chuyến. Tất cả hệ thống hạ tầng này, sau APEC sẽ được đưa vào để khai thác tối đa các hoạt động về du lịch.
Theo thống kê của CBRE Việt Nam, tổng nguồn cung khách sạn tại Đà Nẵng trong năm 2016 đạt xấp xỉ 12.000 phòng thuộc phân khúc 3 – 5 sao, trong đó, khách sạn 3 sao chiếm 45% thị phần, theo sau là khối khách sạn 5 sao (28%) và 4 sao (27%). Dự kiến trong năm 2017 – 2018, thị trường sẽ có thêm 6.000 phòng nữa sẽ được đưa vào thị trường.
Hiện nay trên địa bàn TP gần 600 cơ sở lưu trú với 21.324 phòng, trong đó loại hình cơ sở lưu trú là khách sạn chiếm đa số với 95,3%. Cụ thể, khách sạn 4 - 5 sao và tương đương có 40 khách sạn; khách sạn 3 sao và tương đương là 70 khách sạn, còn lại là khách sạn 1 - 2 sao.
Ngoài ra, các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế đang có xu hướng mở rộng thị phần ở thị trường du lịch Đà Nẵng như Wyndham Hotel Group, Absolute Hotel Service (AHS) lần đầu tham gia thị trường. Những đơn vị quản lý tên tuổi khác như Accor Hotel Group, Marriot Hotel, Hyatt Hotel Group và InterContinental cũng đang tăng số lượng bất động sản quản lý tại Đà Nẵng.
Nếu so sánh với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu trong cả nước về sức hấp dẫn của phân khúc khách sạn. Trong khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ có từ 9 – 10 thương hiệu khách sạn quốc tế thì Đà Nẵng sở hữu đến gần 20 thương hiệu.
Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường khách sạn tại Đà Nẵng trong hiện tại và tương lai. Không chỉ những “ông lớn” với thương hiệu toàn cầu, các DN vừa và nhỏ của Việt Nam cũng đang rất quan tâm vào thị trường đầy tiềm năng này.
Như vậy, việc gia tăng khách sạn Đà Nẵng càng chứng minh đây là TP hội tụ tất cả nhũng tiêu chí, những điểm thu hút du lịch mà khó TP nào có được.
“Sự kiện APEC là “cơ hội kim cương” của Đà Nẵng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và dịch vụ đến thế giới, hứa hẹn thu hút một lượng lớn du khách quốc tế và có những tác động tích cực đến thị trường dịch vụ du lịch, bất động sản của Đà Nẵng”. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh |
Tác giả: DOÃN THÀNH
Nguồn tin: kinhtedothi.vn