Thầy Nguyễn Tấn Huy trong một tiết dạy văn - Ảnh: TRẦN MAI |
Gần 30 năm trên bục giảng, thầy Nguyễn Tấn Huy - Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, được nhiều thế hệ học trò biết đến như là người truyền cảm hứng môn ngữ văn.
"Dạy văn quan trọng nhất là truyền cảm hứng. Giáo viên say mê môn văn thì bằng mọi cách làm cho học sinh cũng cảm thấy hay, rung động như mình" - thầy Huy bảo vậy.
Tạo thói quen thắc mắc
Thầy Huy nêu: "Tôi ví dụ truyện ngắn Chí Phèo ai cũng biết, ai cũng đọc. Nhưng khi giáo viên đặt câu hỏi tại sao không thế này mà là thế kia sẽ hứng thú hơn cho học sinh.
Chẳng hạn tại sao giai cấp thống trị giai đoạn 1930-1945 là thực dân và phong kiến nhưng nhà văn Nam Cao chỉ nói đến giai cấp phong kiến? Tại sao Nam Cao để... Thị Nở xấu đến vậy? Tại sao bà cô Thị lại không có tên?...".
Hoặc kết thúc tác phẩm, Thị nhìn nhanh xuống bụng mình rồi nhìn ra cái lò gạch bỏ hoang, người đọc thường nghĩ đến một thằng Chí Phèo con sẽ ra đời, "nối nghiệp" bố. Nhưng có em lại ý kiến: Nếu Thị Nở đẻ con gái thì sao?...
"Tuy là cả lớp cười, tôi cũng cười nhưng đó là tiếng cười của sự hứng thú. Và cứ thế tạo thói quen cho học sinh biết thắc mắc. Càng thắc mắc càng cuốn hút. Thầy trò cùng bàn và nó sẽ truyền cảm hứng, hút các em học bộ môn này", thầy nói.
Thầy cũng tâm niệm tạo điều kiện để học sinh tự do ở mức cao nhất, tạo tâm thế độc lập sáng tạo từ phát biểu đến làm bài, không nên khiến học trò lặp lại gần đúng những gì tác giả viết, thầy cô dạy, văn mẫu đã ghi.
Em Hoàng Bảo - Trường THPT chuyên Lê Khiết - là học sinh chuyên toán nhưng rất thích giờ văn của thầy Huy, chia sẻ: "Học văn mà câu hỏi luôn dựa văn bản trả lời em không bao giờ thích. Nhưng thầy lại khác. Thầy chấp nhận mọi phát biểu, thắc mắc của chúng em dù vô lý.
Khi em thắc mắc, bạn khác cũng thắc mắc rồi thầy trò trao đổi. Cảm giác học giờ của thầy nhẹ nhàng nhưng em sẽ nhớ bài lâu hơn".
"Tôi tin chắc mỗi em đều có sở trường. Có em làm được bài thơ hay, một tản văn, phát biểu ý tốt, có khả năng viết tiếp câu chuyện hướng khác, có câu hỏi hay... Tất cả điều đó có thể thay cho bài kiểm tra nặng nề 90 phút". Thầy Nguyễn Tấn Huy |
Khuyến khích trò đọc sách
Thầy Huy cũng khuyến khích học sinh đọc sách như một nhu cầu. "Vì khi bị buộc phải nói về một tác phẩm nào đó, trò sẽ tìm đến văn bản tóm tắt, sẽ tra Google. Nhưng ngược lại, nếu không giao một nhiệm vụ cụ thể, chỉ hô hào hãy đọc tác phẩm đi thì các em sẽ dành thời gian cho việc... lên mạng xã hội, chơi game.
Tôi thường chọn và kể một vài đoạn hay trong tác phẩm, chỗ gay cấn hồi hộp, chỗ số phận nhân vật chưa ngã ngũ, chưa thấy ý nghĩa truyền tải của tác phẩm và dừng lại để học sinh tự tìm hiểu. Như thế sẽ gây tò mò, học sinh sẽ "khát" cái kết câu chuyện và tự đọc trọn vẹn tác phẩm" - thầy chia sẻ.
Không chỉ phương pháp dạy mở, nhiều học sinh nói giờ kiểm tra văn thầy luôn để học sinh phát huy sở trường, thể hiện mình qua bài viết, thậm chí trình bày suy nghĩ cảm nhận được.
"Các môn khác em rất sợ kiểm tra một tiết. Nhưng đến môn văn em không bao giờ lo lắng. Em tự tin khi làm bài với dạng đề mở thầy ra. Em tự do diễn đạt suy nghĩ mà không bị gò bó bởi nội dung tác phẩm. Không những em mà nhiều bạn rất hứng thú", em Mỹ Duyên, học sinh lớp 12, cho biết.
Thầy Huy nói thêm về cách ra đề của mình: "Kiểm tra đánh giá xuê xoa học sinh sẽ không học bài. Ngược lại nếu kiểm tra khắt khe các em sẽ đối phó, coi việc thi cử làm mục đích, học để thi, thi xong chữ thầy trả thầy.
Tôi tin chắc mỗi em đều có sở trường, có em làm được bài thơ hay, một tản văn, phát biểu ý tốt, có khả năng viết tiếp câu chuyện hướng khác, có câu hỏi hay... Tất cả điều đó có thể thay cho bài kiểm tra nặng nề 90 phút".
Ông Trần Hữu Tháp - phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cho biết: "Nhắc về thầy Huy thì năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp không có gì phải bàn. Ngoài là giáo viên trường chuyên, thầy là chim đầu đàn, là một trong những đội ngũ cốt cán của tỉnh về bộ môn văn.
Thầy còn là giáo viên giỏi cấp tỉnh, được tỉnh công nhận và có nhiều bằng khen, được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen đạt thành tích trong việc dạy bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi quốc gia.
Ngọn lửa của thầy, của trò "Động lực của tôi rất đơn giản: các em truyền lửa dạy cho thầy, thầy cũng truyền lửa học lại cho các em" - thầy Huy tâm sự. Và những học trò "truyền lửa" cho thầy lại là những trò nghèo hiếu học. Em Nguyễn Anh Thư (lớp 11 Trường THPT Trần Kỳ Phong) theo học thầy suốt một năm qua kể: "Nhà xa, em đạp xe vào học văn ở thầy. Với em, được nghe thầy giảng văn là may mắn. Sau giờ học trên lớp, em chạy bàn ở quán cơm trưa kiếm tiền trang trải nhưng thầy truyền thêm động lực để em cố gắng". Trong những học trò gian khó, thầy Huy nhớ nhất một nữ sinh nhà nghèo ở huyện Tư Nghĩa. "Nhà nuôi vịt. Sáng sớm em đi nhặt trứng vịt, chiều phải đi chăn vịt. Thời gian học bài của em là những buổi đạp xe đến trường, đến nhà thầy. Vừa đạp xe vừa lẩm nhẩm học, chỗ nào không nhớ thì tấp xe vào lề dưới đèn đường mở vở ra xem lại. Em đã tạo động lực cho tôi có những bài giảng hay" - thầy Huy nói thêm. |
Tác giả: THẢO THƯƠNG
Nguồn tin: tuoitre.vn