Tin địa phương

Số phận 2 nhà máy thép ở Đà Nẵng lại “treo lơ lửng”?

Ngày mai (3/10), Đà Nẵng dự kiến công bố kết quả quan trắc môi trường độc lập và quyết định "số phận" 2 nhà máy Dana-Ý và Dana-Úc sau 6 tháng gia hạn hoạt động (từ 26/3 đến 26/9)

TP Đà Nẵng đã có nhiều cuộc gặp đối thoại với người dân để tìm ra giải pháp, tuy nhiên đến bây giờ, số phận 2 nhà máy thép vẫn treo lơ lửng...

Dân khổ, nhà máy bên bờ vực phá vực phá sản

Những ngày đầu tháng 10, hàng chục hộ dân sống cạnh 2 Nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc (KCN Thanh Vinh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) tiếp tục kéo đến bao vây nhà máy. Theo các hộ dân, đã hết thời hạn tạm ngưng hoạt động 2 nhà máy nhưng bản thân các hộ dân chưa ngã ngũ câu chuyện “chọn thép hay chọn dân”. Đi không được, ở không xong, các hộ dân lâm cảnh bất an, lo ngại môi trường…

Đây không phải lần đầu các hộ dân kéo đến bao vây 2 nhà máy thép để phản đối hoạt động. Ngay từ đầu năm 2018, hàng trăm người dân liên tục kéo đến bao vây 2 nhà máy thép yêu cầu ngừng hoạt động vì cho rằng 2 nhà máy này làm ô nhiễm môi trường khu dân cư.

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT Đà Nẵng, thành phố giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của 2 nhà máy thép. Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở này cho hay: thành phố chỉ đạo thành lập 2 tổ công tác. 1 Tổ giám sát hoạt động của 2 nhà máy do Giám đốc Sở Công thương làm Tổ trưởng. 1 Tổ giám sát về lĩnh vực môi trường do Giám đốc Sở TN&MT làm Tổ trưởng.

“Liên tục từ ngày 3/4 đến thời điểm hiện nay, Sở TN&MT chia làm 2 ca giám sát, 1 ca từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, 1 ca từ 20 giờ tối đến 6 giờ sáng. Sở cũng đã tham mưu cho UBND thành phố có Văn bản gởi Bộ TN&MT mời đơn vị quan trắc độc lập đánh giá về các hoạt động của 2 nhà máy trong quá trình hoạt động có gây ảnh hưởng đến môi trường hay không; đồng thời mời đơn vị tư vấn quan trắc 2 thực hiện độc lập các kết quả quan trắc để đánh giá tác động môi trường”, ông Nam cho biết.

Đến những ngày đầu tháng 10, người dân lại ùn ùn kéo đến bao vây 2 nhà máy thép, không cho 2 nhà máy hoạt động sau 6 tháng gia hạn

Trong khi đó, phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana-Ý cũng đề nghị chính quyền có câu trả lời rõ ràng với người dân và doanh nghiệp về số phận đi hay ở của nhà máy.

Theo ông Tân, việc đóng cửa nhà máy thép Dana-Ý ảnh hưởng đến 1.000 công nhân, tác động trực tiếp đến 2.000 gia đình và hơn 4.000 trẻ em. Riêng tiền điện mất 500 tỷ đồng mỗi năm, Cảng Đà Nẵng mất nửa triệu tấn hàng xuất nhập khẩu qua cảng.

“Người dân cứ bao vây nhà máy thế cũng không được, không đảm bảo cho một xã hội pháp quyền. Phải có 1 giải pháp chứ không thể 2 bên sống chung được. Nếu thành phố có đủ khả năng, đủ điều kiện thì vận động dân như thế nào nhưng không được bao vây nhà máy. Chúng tôi cam kết đảm bảo các yêu cầu môi trường và đã thuê các công ty chuyên về quan trắc môi trường đến kiểm tra. Thực tế, kết quả đều nằm trong phạm vi cho phép”, ông Tân nói.

Tương tự, tình trạng dân bao vây nhà máy khiến Công ty CP Thép Dana-Úc cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn An, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Dana Úc cho biết, nếu tình trạng này kéo dài thêm 1 tháng nữa thì doanh nghiệp sẽ phá sản.

Theo ông An, tiền doanh nghiệp chủ yếu là vốn vay, dòng vốn đầu tư kéo dài 15-20 năm, nay bị tình trạng “sống dở, chết dở” khiến doanh nghiệp điêu đứng. Chi phí đầu tư ban đầu lớn lắm. Riêng ngành thép chi phí xây dựng với thiết bị nhà máy rất là lớn.

Quy hoạch nửa vời, dồn dân về khu công nghiệp

Tại buổi họp báo mới đây của UBND TP.Đà Nẵng, lãnh đạo Sở TN&MT thành phố cho hay: dự kiến ngày 3/10 trên cơ sở các kết quả quan trắc độc lập này, Đà Nẵng sẽ có phán quyết cuối cùng về số phận 2 nhà máy thép trên.

“Quan điểm của thành phố là giải pháp phù hợp với quy định của luật pháp. Đối với hoạt động của 2 nhà máy nếu vượt tiêu chuẩn cho phép, vượt ở công đoạn nào, bộ phận nào thì rõ ràng phải dừng hoạt động để khắc phục, nếu không khắc phục được thì phải di dời. Đó là quan điểm cương quyết của lãnh đạo thành phố”, ông Nam nhấn mạnh.

Điều đáng nói là từ năm 2006, TP.Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương di dời các hộ dân sát cạnh nhà máy để tạo vành đai phân cách cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp. Tuy nhiên, vì các khu công nghiệp thu hút được ít nhà đầu tư nên thành phố đã điều chỉnh quy hoạch, dừng mở rộng KCN Hòa Khánh và không thực hiện di dời người dân tại khu vực này nữa.

Lâu dần, từ 150 hộ dân ban đầu đã phát sinh thành 1200 hộ dân. Hồ sơ di dời, chi phí đền bù vượt quá chi phí ban đầu của thành phố.

Đầu năm 2017, các hộ dân rất bức xúc và phản ứng gay gắt do việc thành phố “treo” di dời hàng chục năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khi phải sống cạnh cụm công nghiệp. Để khắc phục thiếu sót trong quy hoạch cụm công nghiệp Thanh Vinh, UBND TP.Nẵng quyết định phải di dời nhà dân theo các thông báo số 197/TB-UBND ngày 29/12/2016, Thông báo số 05-TB-UBND ngày 22/02/2017, Công văn số 730/VP-QLĐTư ngày 13/3/2017.

Các thông báo này đều có nội dung cụ thể “thống nhất chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 02 nhà máy…”.

Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục giải tỏa, đền bù, tái định cư vẫn tiếp tục ì ạch, chậm tiến độ, không thông suốt khến người dân vô cùng bức xúc và bao vây hai nhà máy thép của công ty Dana-Ý và công ty Dana-Úc nhằm áp lực chính quyền thành phố và buộc di dời 2 nhà máy.

Tác giả: Thu Hồng

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: nhà máy thép , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP