Ngày 6/6, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thường kỳ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội cùng những vấn đề nổi cộm trên địa bàn thời gian qua. Cuộc họp do ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì cùng đại diện các sở, ban, ngành...
Dân kêu ô nhiễm, sở bảo "trong giới hạn"?!
Tại đây, câu chuyện về nhà máy thép Việt - Pháp, thuộc khu công nghiệp Thương Tín, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam một lần nữa được nhắc đến. Đây là vấn đề được đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn đánh giá là "không nhạy cảm nhưng rất phức tạp".
Gần cả chục năm qua, người dân Điện Nam Đông "đều đặn" vây nhà máy thép Việt - Pháp vì ô nhiễm. Tuy nhiên, dường như chính quyền Quảng Nam đang có cách lý giải khác. |
Cụ thể, trong nhiều năm qua, rất nhiều lần, hàng chục thậm chí là cả trăm người dân Điện Nam Đông tập trung, vây lối, dựng lều bạt, chặn xe... trước cổng nhà máy thép này để phản đối vì cho rằng nhà máy gây ô nhiễm. Các cơ quan ban ngành tỉnh Quảng Nam cũng đã nhiều lần kiểm tra, đối thoại tìm hướng giải quyết. Và mới đây nhất là chủ trương di dời nhà máy thép Việt - Pháp này lên vùng núi thượng nguồn thuộc khu công nghiệp thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Việc người dân phản ánh nhà máy này gây ô nhiễm là có thật và thậm chí là phản ánh ròng rã suốt nhiều năm trời. Tuy nhiên, tại buổi họp báo, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam bất ngờ cho biết, trong khoảng gần 8 năm nhà máy thép trên hoạt động, các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, có cả kiểm tra bí mật về ban đêm, nhưng hầu như các kết quả, thông số về môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép (?!).
Không ô nhiễm sao bắt di dời?!
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam dẫn giải rằng, khu công nghiệp Thương Tín trước đây là khu nghĩa địa lớn nhất tỉnh, xa dân cư. Tuy nhiên, khi nhà máy thép Việt - Pháp vào đây thì người dân có ý kiến. "Thực ra là có việc xử lý, dân vận của ban Giám đốc nhà máy này với một số trường hợp cho nghỉ việc dẫn đến bất đồng ý kiến... Khi cho nghỉ, công nhân sẽ có phản ứng, ý kiến này, ý kiến khác. Đây là chuyện tất yếu trong cuộc sống thường ngày...", ông Toàn nói.
Theo phân tích của vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì dự án có khả năng ô nhiễm, tiềm ẩn ô nhiễm sẽ được vào khu công nghiệp để quản lý. Tuy nhiên, dù thừa nhận, nhà máy thép Việt - Pháp không gây ô nhiễm, không có nước thải nhưng chính quyền Quảng Nam vẫn dự tính đưa nhà máy này lên khu Công nghiệp thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, có lỗi của cơ quan tham mưu trong vụ nhà máy thép này. |
Ông Toàn cũng khẳng định, việc di dời nhà máy thép này đã được Huyện ủy, HĐND, UBND và người dân Nam Giang đồng thuận rất cao (?!).
Cũng theo ông Toàn, hiện chúng ta đang nâng vấn đề về ô nhiễm ở nhà máy thép Việt - Pháp lên quá. Ở đây không giống với sản xuất thép ở Formosa (Hà Tĩnh). "Ở đây, họ dùng điện chứ không dùng than cốc, than cốc mới ô nhiễm", ông Toàn nói giữa cuộc họp báo.
"Tới đây, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ báo cáo sự việc cho Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Đây là vấn đề không nhạy cảm nhưng phức tạp. Chúng tôi chờ trong phiên họp sắp tới sẽ báo cáo. Nếu đồng thuận thì đưa nhà máy lên, nếu không đồng thuận thì đền bù lại cho nhà máy... Phải nói là việc này có lỗi tham mưu không đầy đủ của các sở Tài chính, sở Tài nguyên và Môi trường... Nếu khẳng định nhà máy không ô nhiễm sao bắt họ di dời", ông Toàn nhìn nhận.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho rằng, khi mà TP.Đà Nẵng đang còn giải quyết chưa xong các vấn đề ô nhiễm thì lại nghe tin ở tỉnh Quảng Nam đang dự định di dời Nhà máy Việt - Pháp về phía thượng nguồn. Phía hạ nguồn (một phần tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng) rất nhiều khu vực dân cư, hệ thống nguồn nước dẫn từ thượng nguồn về. Do đó, cử tri và người dân Quảng Nam đang hết sức lo lắng về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với nhà máy thép này. |
Tác giả: Lê Nhâm Thân
Nguồn tin: Báo Người đưa tin