UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Cùng với kết quả phòng, chống dịch COVID-19, Quảng Nam đã tập trung cho phát triển kinh tế, nhất là triển khai nhiều biện pháp khôi phục, duy trì và phát triển nền kinh tế hậu COVID-19.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm bằng 88,49% so với cùng kỳ năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 26.790 tỷ đồng. Như vậy, Quảng Nam là một trong 12 địa phương có mức tăng trưởng âm (-11,51%).
Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 toàn tỉnh đạt 26% so với kế hoạch vốn được giao. Ảnh minh họa |
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng hơn 12.297 tỷ đồng, chiếm 27,7% GRDP và giảm gần 25,8% so với cùng kỳ. Trong đó vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý ước thực hiện 3.498 tỷ đồng, giảm gần 5% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 toàn tỉnh (không bao gồm các dự án trên địa bàn tỉnh do Trung ương quản lý) đến 30/6 là 1.706 tỷ đồng, đạt 26% so với kế hoạch vốn được giao.
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 6 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, giảm 46% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 33 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ.
Trong 6 dự án cấp mới có 3 dự án ngành công nghiệp với tổng vốn đăng ký 18 triệu USD; 3 dự án dịch vụ với tổng vốn đăng ký hơn 15 triệu USD. Tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 196 dự án với tổng vốn đăng ký là 5,93 tỷ USD, lĩnh vực đầu tư chủ yếu ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch.
Giải thích về lý do tỷ lệ kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 chậm, ông Văn Anh Tuấn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam thông tin: Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản rườm rà; tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án; cơ chế điều hành trong tình hình ảnh hưởng thu ngân sách do dịch COVID-19.
Cũng tại cuộc họp báo, đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cũng thông tin những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2020; trong đó, trọng tâm là triển khai các giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế địa phương thời kỳ hậu COVID-19.
Liên quan tình hình giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó, các giải pháp được nhiều địa phương áp dụng là xem xét trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển vốn với các dự án không đạt tiến độ.
Tại UBND TP.HCM, tính đến hết tháng 5/2020, vốn ngân sách thành phố đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước thành phố là 5.295,997 tỷ đồng, đạt 15,6% tổng kế hoạch vốn do UBND thành phố giao (33.940,764 tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ là 3.051 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,5%). Vốn ngân sách Trung ương giải ngân trong tháng 5 năm 2020 là 3.184,266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,1% tổng kế hoạch vốn do UBND thành phố phân khai chi tiết (7.751,082 tỷ đồng).
Tại Kiên Giang, tính đến cuối tháng 5/2020, giá trị giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh chỉ đạt 1.024 tỷ đồng, bằng 16,7% kế hoạch năm 2020, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Bình Thuận, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành về việc tiếp tục thực hiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020; xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho thấy, tỷ lệ giải ngân đến giữa tháng 5/2020 đạt rất thấp. Cụ thể, việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của năm trước chuyển sang 2020 đạt 5,5% kế hoạch. Thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của năm 2020; trong đó, kế hoạch vốn ngân sách tập trung tỉnh đạt 27,42%, kế hoạch vốn xổ số kiến thiết đạt 13,35%.
Tác giả: Vũ Đậu (T/h)
Nguồn tin: Tạp chí ĐS&PL