Kí ức làng Vân – chốn nương náu tận cùng của những phận “trời đày”
Ngôi làng mà tôi kể tên Vân hay Hòa Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Làng nằm dựa lưng vào vách núi, hướng mặt ra vịnh Nam Chơn hiền hòa mà thiêm thiếp ngủ giấu nỗi đau đời. Đây là khu dân cư biệt lập của những người không may mắc bệnh phong (cùi, hủi) trú chân sau những chặng đường chạy trốn mỏi mệt tha phương để tránh sự hắt hủi, kỳ thị của chính gia đình, đồng bào.
Làng Vân nhìn từ trên cao |
Nói “trời đày” chẳng ngoa khi đường vào làng ghập ghềnh, nguy hiểm. Sau hành trình cuốc bộ hơn 10km gồm chui hầm đường sắt âm u ẩm ướt, men theo hướng bắc đường ray Thống Nhất, rồi xuyên rừng tôi cũng đến được làng Vân.
Trên đường đi, tôi bất ngờ gặp được ông H (xin được giấu tên nhân vật), người gần hết cả cuộc đời gắn bó với làng Vân. Ông H. không muốn nêu tên bởi đến tận bây giờ ông vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh về kí ức bệnh tật và hành trình trốn chạy đau buồn của mình. Cũng chính vì điều đó, tôi mới hiểu được sự tuyệt vọng cùng cực của những người mắc chứng nan y khi chọn nơi thâm sơn cùng cốc làng Vân để sinh sống.
Ông H kể, mình phát bệnh từ khi 15 tuổi. Những mụn mủ vỡ ra, lở loét cả hai bàn tay, hai bàn chân, máu thịt lúc nào cũng bầy nhầy. Khiếp sợ bị lây bệnh, bạn bè, hàng xóm, thậm chí cả cha mẹ cũng ruồng rẫy. Không chịu được cảnh hắt hủi, ông bỏ nhà bỏ quê ở Bình Định lưu lạc ra Huế. Tại đây, nghe nói có nhóm người cùng chứng bệnh tụ lại dưới chân đèo Hải Vân, ông mừng rỡ đi bộ gần 100km tới xin nhập làng.
Ông bảo, làng bắt nguồn một trại nhỏ do một người Mỹ thành lập năm 1968 nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng 40 bệnh nhân bị nhiễm virus Hansen. Hơn 40 năm sau, làng Vân đã có khoảng 130 nóc nhà với hơn 350 thành viên.
Vì đồng cảm mà nhiều bệnh nhân đã nên duyên vợ chồng, họ sinh con đẻ cái và những cuộc đoàn tụ của thân nhân bệnh nhân phong từ đất liền; các bệnh nhân mới từ khắp các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng… khiến dân của làng ngày thêm đông.
|
Những ngôi nhà đổ nát, dấu tích của một cộng đồng đặc biệt đã từng sinh sống bình yên dưới chân đèo Hải Vân. |
Hồi ấy, sự ra đời của làng Vân mang ý nghĩa cực kỳ đặc biệt, không đơn thuần là nơi cung cấp thuốc thang để xoa dịu nỗi đau thể xác mà còn là chiếc phao cứu sinh cuối cùng, là nơi bệnh nhân phong không cần chạy trốn, không phải giấu đi đôi bàn tay trầy trụa, lẫn lộn xương thịt mỗi khi gặp người lạ.
Ngọn đèo Hải Vân hiểm trở bỗng biến thành bức tường rào che chở cho hàng chục, hàng trăm số phận “trời đày”. Và sau bao nhiêu năm khốn khổ khốn nạn, chúng tôi mới thực sự có nơi để được sống như một con người, được yêu thương và nhận lại yêu thương, được thực hiện ước mơ chăm lo vun vén gây dựng gia đình….
Ông H. đến giờ vẫn xót xa khi nhớ lại quãng thời gian đằng đẵng mấy chục năm trời, người làng Vân mang bao điều tiếng xấu. Y học chưa phát triển, giao thông hạn chế, cộng với sự vô thừa nhận, hắt hủi, nghi kỵ thiếu hiểu biết về căn bệnh phong mà làng Vân trở thành “vô hình” trên bản đồ và trong cộng đồng. Đến tận năm 1998, làng mới được công nhận là một đơn vị hành chính cấp thôn thuộc TP.Đà Nẵng – thôn Hòa Vân.
Đó là lần đầu tiên, cả làng nói chung và gia đình nhỏ của ông H được thừa nhận về mặt pháp lý, được đăng ký hộ khẩu, được đi bầu cử. Năm 1998 cũng là dấu mốc lịch sử của làng khi toàn bộ người dân Hòa Vân được chữa dứt điểm bệnh phong, chỉ còn lại di chứng nên bệnh không còn khả năng lây lan cho cộng đồng. Từ đó đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp mới nào. Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cũng đã sớm giải thể khu điều trị bệnh phong tại làng Vân. Song, dẫu “làng” đã thành “thôn”, nhưng do đi lại khó khăn, có nhiều người bị di chứng bệnh tật, tàn phế, nên làng Vân vẫn nghèo nàn, lạc hậu, và nhiều nghi kị.
Gần nửa thế kỷ trú chân, người làng Vân thiết tưởng đây là chốn nương tựa đến cuối đời của mình nên ra sức vun đắp. Nhà cửa đều được xây dựng kiên cố, có cả trường mẫu giáo, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng…
Cuộc sống bình yên trôi qua với những hoạt động tự cung tự cấp: chài lưới, bẫy chim, làm ruộng, chăn bò… Nhưng thực sự, khi đã khỏi bệnh, khát khao được hòa nhập cộng đồng, được thăm lại thân nhân bản quán, con em được đi học cao hơn luôn cháy bỏng trong lòng họ.
Vậy nên, khi TP. Đà Nẵng có chủ trương thu hồi đất, người làng Vân dù rất bịn rịn với mảnh đất cưu mang, dù nỗi sợ hãi bị kỳ thị vẫn còn ám ảnh vẫn đồng thuận di dời vào đất liền, bỏ hoang nhà cửa, ruộng vườn. Tháng 8-2012, cả làng thu vén toàn bộ đồ đạc, đánh cược số phận, mang đi một trời thương nhớ sang bên này vịnh Nam Chơn định cư.
Năm năm trôi qua, thiên nhiên đang dần che lấp ngôi làng nhân đạo từng cưu mang hàng trăm phận đời bất hạnh. Lối mòn độc đạo dẫn vào làng lẫn đường xóm thưa vắng bước chân người qua lại, cỏ mọc um tùm; cổng làng mất tên; những cây vú sữa, mãng cầu, xoài, ổi héo mòn, còi cọc vì thiếu bàn tay người chăm bón… Và thương cảm hơn hết, những ngôi nhà hoang tàn, vỡ nát mỗi ngày lại vùi mình sâu hơn dưới mưa rừng, bão biển. Kí ức một thời đau đớn, tủi cực của cư dân nơi đây cũng dần dần được thời gian xoa dịu.
Khắc khoải người đi
Hậu di dời và tái định cư, hiện người làng Vân đã tương đối hòa nhập và ổn định sinh sống tại nơi ở mới. Mặc dù vậy, trong mỗi nếp nhà, mỗi thửa ruộng, mỗi mảnh vườn… dưới chân đèo Hải Vân vẫn thấp thoáng bóng dáng của từng người làng Vân, và người làng Vân vẫn chưa nguôi nhớ thương chốn nương náu cũ mà trở về.
Trở về chẳng phải là đón vợ con, dựng lại nhà, đào lại giếng mà chỉ đơn giản là người ta nhớ làng, quen chân bén gót rảo qua hầm 14 (hầm đường sắt số 14 của tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn đi qua đèo Hải Vân – PV), leo mấy chặp đường rừng thăm lại nhà cũ, ngó xem cây mãng cầu con con ngày trước đã lớn chừng nào, biết đậu trái chưa… Cũng có người dù đã chuyển cả gia đình vào đất liền nhưng vẫn bám trụ mưu sinh ở đây.
Có lần tới làng Vân, thấy đàn bỏ gặm cỏ “đỏ đồng”, nghĩ có người chăn thả, người viết lên tiếng hú gọi. Một người đàn ông cao gầy đang lúi húi chăng lưới bắt cá ven suối đáp lời. Chẳng chờ người lạ đến nơi, người đàn ông đã vồn vã cười nói hỏi han như bạn thân lâu ngày mới gặp. Đó là ông Đặng Hữu Á (54 tuổi), một người làng Vân “xịn” mà tôi đã được nghe tiếng từ trước.
Ông Đặng Hữu Á vẫn trở về làng Vân hàng ngày để chăn bò, bắt cá |
Biết khách hỏi thăm làng cũ, ông Á ngưng thả lưới, vận nguyên áo quần đẫm nước, ngồi bệt trên thảm cỏ, miên man kể những câu chuyện làng, chuyện người quê mình. Thỉnh thoảng ông lại thở dài, chỉ tay về phía một khoảnh đất, một ngôi nhà nào đấy như vẽ lại ngôi làng nghèo khó nhưng ấm áp tình người.
Được biết, ông Á ngày nào cũng đi bộ ngót 15 cây số từ ngã ba hầm Hải Vân ra đây. Tái định cư rồi nhưng giữ nếp cũ, ông để lại đàn bò 5 con, cho chúng bám đàn chung, đi ăn dông. Ông tranh thủ vừa cắt cỏ, vừa thả vài tay lưới kiếm con tôm con cá cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Ông bảo: “Tôi sinh ra ở đất liền, cũng không bị bệnh, hồi đó tôi mồ côi rồi theo ông nội ra đây, lớn lên, lấy vợ và sinh con ở chốn này. Ông nội, tôi và các con đã gắn bó với làng Vân từ khi khai phá thớ đất đầu tiên tới lúc rời đi. Người ngoài dè bỉu, nhưng làng Vân nuôi sống chúng tôi. Biết ơn chứ, ai hỏi tôi cũng bảo mình người làng Vân, giờ thì hai quê rồi nhưng tôi vẫn về”.
Một chuyến thăm làng cũ |
Ngoài ra, hiện nay, có khoảng hơn chục người vẫn bám trụ lại ở làng Vân làm nghề ngư phủ như các ông Đặng Kim Thanh (78 tuổi), Nguyễn Mênh (52 tuổi)… Chẳng rời bỏ được làng cũ, không tìm được việc làm ở đất liền, cũng không có vốn liếng sắm sửa chiếc thuyền lớn ra khơi đánh “quả lớn”, những người đàn ông này tiếp tục làm bạn với thuyền thúng, ghe nhỏ cần mẫn sớm khuya đánh bắt gần bờ.
Ngư dân nghỉ ăn trưa trong một chiếc lán tạm bợ bên bờ biển, trước địa phận làng Hòa Vân |
Đất đã giao cho nhà nước, nhà cũ cũng đã bỏ hoang, có nhà còn tận dụng làm nơi “tá túc” cho đàn bò, đàn dê nên ông Thanh cùng bạn thuyền dựng một dãy lều trại tạm bợ ngay sát mép biển để cơm nước, ngủ nghỉ những ngày không kịp về đất liền. Lộc biển cũng bấp bênh, trừ hết các chi phí, trung bình mỗi tháng chỉ đủ lo thuốc men cho cha mẹ, tiền học hành cho con cái ở trong đất liền và chi tiêu các khoản lặt vặt.
Ông Thanh tâm sự, thấy cha lớn tuổi, các con ông nhiều lần muốn cha nghỉ hẳn đi biển, định cư trong đất liền, nhưng ông không chịu. Ông bảo, ở đây cả đời quen rồi, có lần ốm về chơi với các con, chưa khỏi đã nhớ làng quay quắt nên dù có cản ông vẫn ra…
Nhưng có lẽ, vài năm nữa thôi, khi làng Vân bị hắt hủi năm xưa trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp như dự án khủng đã được thành phố cấp phép thì đàn bò cũng phải lùa đi nơi khác, vịnh Nam Chơn cũng phải vắng bóng người quen. Và khi ấy, làng Vân sẽ thực sự bị xóa sổ, những người hai quê đâu còn cơ hội để trở về!
Tác giả: Nam Phong
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân