Sáng 18/12, tại Hội thảo Mặt trận tổ quốc Việt Nam với công tác phòng chống tham nhũng, bà Nguyễn Thị Bích Ngà - Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là "nhiều cán bộ ở cơ sở thấy cái đúng không dám bảo vệ, phát hiện cái sai không dám đấu tranh".
Theo bà, vấn đề nêu trên "nói thì dễ", nhưng nhiều vụ việc cụ thể mà Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét mới thấy "ở dưới cơ sở không đơn giản chút nào". Và đây chính là vấn đề đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc, phải có giải pháp để người lao động ở cơ sở chủ động, mạnh dạn hơn trong lĩnh vực này.
"Qua xem xét các vụ việc với một số cán bộ, cấp cao cũng có, đứng đầu tỉnh cũng có, tôi có cảm giác là họ trơ trẽn. Khi họp, tôi phát biểu tại sao lại có một Bí thư làm việc như thế, không thấy ngượng và có vẻ trơ quá", bà Ngà nói.
Nữ cán bộ kiểm tra cho rằng, tham nhũng xảy ra ở một số người có chức vụ quyền hạn, nhưng để họ tham nhũng được thì bộ phận xung quanh "phải cùng hoạ vào". Vì vậy, bà Ngà nhấn mạnh, cần phát động phong trào toàn dân cùng chống tham nhũng, không phải chỉ ở khẩu hiệu mà đi vào thực chất.
"Nhiều vị cán bộ cấp cao, trong đó có cả ông Đinh La Thăng khi đứng trước Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng nói, giá mà cơ quan kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề như vậy", bà Ngà cho hay.
Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Thị Bích Ngà. Ảnh: T.H |
Về việc làm sao để phát hiện sớm vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, bà Ngà cho rằng phải từ quần chúng nhân dân, tránh tư tưởng dĩ hòa vi quý. Thực tế vừa qua có hai Ban thường vụ Tỉnh uỷ bị kỷ luật vì trong nội bộ thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, "hùa theo và kết quả là cả Ban thường vụ bị kỷ luật".
Theo bà Ngà dự đoán, thời gian tới số Ban thường vụ bị kỷ luật "chắc là còn nữa dù mức độ có thể khác nhau".
"Thanh tra đúng quy trình, nhưng kiểm tra lại thấy sai"
GS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nêu vấn đề, trong số các việc mà Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận vừa qua, có những vụ trước đó đã được thanh tra. Đơn cử trường hợp bổ nhiệm Giám đốc Sở 30 tuổi ở Quảng Nam, thanh tra Bộ Nội vụ từng vào cuộc vào khẳng định "đúng quy trình", nhưng sau đó cơ quan kiểm tra xem xét thì phát hiện sai phạm và xử lý kỷ luật.
"Thanh tra không phải thiết chế kiểm soát quyền lực mà là thiết chế để quản lý, đây là chỗ cần lưu ý", GS Đường nhấn mạnh.
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: MT |
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền thì cho rằng, chỉ với quy chế tuyển dụng cô giáo mầm non, quy chế tiêm phòng cho trẻ nhỏ..., bất cứ cơ chế nào có "xin cho" mà không chặt chẽ thì cũng có thể phát sinh tham nhũng.
Ông Quyền cũng đồng ý với GS Trần Ngọc Đường trong việc cần tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực. "Ở Vinashin, Vinalines... trước đây đã xuất hiện tình trạng nhiều đoàn vào thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện được gì", ông Quyền nói và cho biết ông đã đề nghị quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng một điều với nội dung "nếu đoàn thanh tra, kiểm toán đã vào làm việc mà không phát hiện gì, sau này các cơ quan khác phát hiện ra thì toàn bộ đoàn công tác đó phải chịu kỷ luật".
Theo ông Quyền, kết luận thanh tra là công khai, do vậy các vụ thanh tra lớn cần được gửi đến Mặt trận Tổ quốc để giám sát. MTTQ cùng báo chí tạo ra dư luận, tạo ra sức ép để cơ quan chức năng vào cuộc theo đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật.
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: Báo VnExpress