Gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn ở xóm Đại Tân, xã Quỳnh Long có thu nhập chính chủ yếu dựa vào nghề truyền thống của địa phương là khai thác và chế biến hải sản. Trước đây, đời sống của gia đình chị Hoàn trông chờ chủ yếu vào những chuyến đi biển của chồng, nhưng mấy năm gần đây, được sự vận động của địa phương và sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị đã mạnh dạn đứng ra mở thêm dịch vụ thu mua, chế biến hải sản. Ngoài chế biến hải sản từ những chuyến biển do tàu của gia đình đưa về, chị còn thu mua của các tàu khác trong xã. Trung bình mỗi tháng từ 2 – 3 tấn hải sản khô các loại. Chị Hồ Thị Hoàn giới thiệu cá chỉ vàng cho khách
Khi hoạt động kinh doanh, chế biến ngày càng phát triển, năm 2013, chị Hoàn đã đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng kho cấp đông với trữ lượng khoảng 10 tấn để giữ trữ mực khô, cá chỉ vàng, cá đốm khô và tép… Nhờ nghề này, mỗi năm gia đình chị có thêm thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng và tạo thêm nhiều việc làm cho chị em trong xóm, trong xã. Chị Hoàn nói: Cơ sở thu mua cá ở dưới cảng thì gia đình phải thuê hàng chục lao động để khi có cá về là phân loại, bốc dỡ. Còn ở nhà, khi nào có hàng thì thuê 5 – 7 người, mỗi ngày 120.000 đồng/ người. Mấy năm nay, bên cạnh thị trường Vinh, Cửa Lò, Thanh Hóa, gia đình có thêm khách hàng Trung Quốc. Mỗi tháng, gia đình chị Hồ Thị Hoàn chế biến, dự trữ khoảng 2 - 3 tấn hải sản khô
Từ lợi thế của xã vùng biển, Hội LHPN xã Quỳnh Long đã vận động chị em xây dựng các dịch vụ trên bờ như thu mua hàng hải sản, vá lưới và đầu tư buôn bán ngư lưới cụ, muối chượp, đem lại thu nhập cho chị em nhưng đồng thời cũng tạo hậu thuẫn cho chồng con sau những ngày bám biển.
Năm 2011, Quỳnh Long được chọn làm điểm chỉ đạo của đề án 2059 về “Hỗ trợ phụ nữ vùng giáo, vùng biển tham gia phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững”, Hội đã chủ động tham mưu thành lập câu lạc bộ “phụ nữ phát triển kinh tế” với 30 thành viên tham gia, đa phần là phụ nữ buôn bán vừa và nhỏ, làm các dịch vụ thu mua hàng hải sản. Bước đầu thành lập cũng gặp không ít khó khăn nhất là vấn đề vốn, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, vấn đề thị trường nhưng bằng sự nỗ lực, phấn đấu của chị em phụ nữ xã, năm 2013, hội đã xây dựng được 7 mô hình thu mua hàng hải sản, năm 2015 tiếp tục vận động xây dựng được 6 mô hình muối chượp, 3 mô hình làm cá hấp sấy tại cảng cá, 10 mô hình đan vá lưới, 2 mô hình ngư lưới cụ, đem lại thu nhập cao và thu hút được nhiều lao động nữ tham gia. Dịch vụ thu mua, bốc dỡ cá tại cảng tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ
Các mô hình này đã tạo việc làm cho 100 lao động nữ với thu nhập bình quân 2,5 – 3 triệu đồng/tháng. Các dịch vụ vá, làm lưới thu hút 150 – 200 lao động nữ, cho thu nhập ngày công từ 70 – 80 ngàn đồng/ngày, nghề làm lưới cho thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày.
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ xã Quỳnh Long còn vận động hội viên phụ nữ huy động các nguồn vốn tại chỗ thông qua xây dựng các mô hình tiết kiệm bằng góp vốn cho chị em có nhu cầu vay để sản xuất. Đến nay, 8 tổ tiết kiệm với số vốn trên 400 triệu đồng, tham mưu để vay vốn giải quyết việc làm cho chị em được 400 triệu đồng cho 20 mô hình vay để đầu tư thu mua hàng hải sản, 900 triệu đồng vốn CRS để chị em chăn nuôi khép kín trên địa bàn. Nghề đan vá lưới tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều chị em phụ nữ Quỳnh Long
Phát huy thế mạnh của địa phương để tăng thu nhập, tạo việc làm cho chị em đã góp phần giúp phụ nữ Quỳnh Long có việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, còn giúp cho chồng con thêm yên tâm vươn khơi, bám biển, không phải lo lắng đến đầu ra sản phẩm. Qua đó, góp phần đem đến cho xã Quỳnh Long một diện mạo mới, phát triển và giàu mạnh hơn. Tác giả bài viết: Thanh Nhàn
Nguồn tin: