Trong nước

Phân tích lỗi vụ máy bay hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh

Trong vụ máy bay VN 7433 hạ cánh nhầm đường băng, người điều khiển máy bay không phát hiện sự nhầm lẫn, cơ trưởng cũng không nhận ra sai sót.

Nguyên nhân chuyến bay VN 7433 hạ cánh nhầm đường băng Cam Ranh bước đầu được xác định lỗi chính là do tổ bay. Tổ điều tra Cục Hàng không phối hợp với Vietnam Airlines sớm làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Hiện cơ quan chức năng đã thu giữ hộp đen để giải mã các thông số liên quan đến dữ liệu chuyến bay; thông tin trao đổi giữa lái chính, lái phụ cũng như trao đổi của tổ lái với đài chỉ huy không lưu.

Đây là sự cố được xác định ở mức độ nghiêm trọng (nhóm B), chỉ đứng sau sự cố nhóm A (tai nạn).

Ở góc độ chuyên môn, một phi công kỳ cựu lái máy bay thương mại cho biết, rõ ràng trong sự cố hạ cánh nhầm đường băng này, phi công đã sai.

Ông phân tích, trước khi hạ cánh, cách sân bay hàng trăm km, phi công đã liên lạc với đài không lưu để lấy điều kiện khí tượng tại sân bay. Lúc đó không lưu sẽ cung cấp luôn cho phi công dự kiến tiếp cận đường băng nào.

“Bay từ TP.HCM ra Cam Ranh khi đến Long Khánh đã liên lạc với đài chỉ huy sân bay. Sau khi không lưu cung cấp dự kiến tiếp cận thì 2 phi công (cơ trưởng và cơ phó) sẽ hội ý trao đổi qua lại với nhau. Khi đến Liên Khương (Đà Lạt) sẽ giảm độ cao.

Khi độ cao cách đỉnh sân bay Cam Ranh khoảng 7.000 feet (2.000m), theo phương thức tiếp cận với đường băng mở về phía Đông Bắc, phi công sẽ điều khiển máy bay quay về hướng Tây Nam để hạ cánh.

Khi bay vào tiếp cận, phi công nhìn thấy đường băng rồi thì báo với không lưu đã nhìn thấy đường băng, không lưu đồng ý thì phi công nhắc lại được phép hạ cánh đường băng nào, sau đó phần còn lại hoàn toàn là của phi công", phi công kỳ cựu phân tích.

Phi công mắc sai sót nghiêm trọng trong vụ máy bay VN 7433 hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh.

Ông nhận định: Có thể ở tình huống hạ cánh nhầm tại Cam Ranh, khi phi công nhìn thấy khu vực sân bay từ xa đã báo với không lưu “nhìn thấy đường băng rồi...” nên có thể không lưu tưởng nhìn thấy đường băng cũ (01) hạ cánh nên không nhắc nhở gì.

Trong khi, thực tế tổ lái lại cho hạ cánh xuống đường băng mới chưa được kiểm định, chưa được đưa vào cấp phép sử dụng.

Vị này cũng chỉ ra sai sót, sau khi biết hạ cánh nhầm đường băng, phi công điều khiển máy bay VN 7433 còn mất bình tĩnh kéo chế độ động cơ thổi ngược nên máy bay đã hút rác, bao bì xi măng... vào trong động cơ.

“Nếu phi công không kéo chế độ thổi ngược thì sẽ không gây hại động cơ máy bay” - phi công này cho biết.

Đường băng mới không chỉ dẫn cảnh báo

Sân bay Cam Ranh trước đây có một đường băng, nhưng hiện nay nhìn từ trên cao xuống có 3 đường khác nhau nằm song song. Bên phải đường băng hiện hữu (01) có đường lăn song song, bên trái là đường băng mới (02) đang xây dựng. Đường băng số 02 chưa đưa vào khai thác nhưng không được đánh dấu nên dễ khiến tổ lái nhầm lẫn khi tiếp cận mặt đất.

Là người điều khiển máy bay nhiều năm, phi công này cho biết, bình thường nếu đường băng sử dụng rồi khi đóng lại để sửa chữa, bảo dưỡng theo quy định hàng không thì phải sơn chữ X ngay đầu đường băng để báo hiệu trực quan cho phi công nhìn thấy, không hạ cánh vào.

Đường băng 02 không có chỉ dẫn cảnh báo

Tuy nhiên, đường băng 02 mà máy bay VN 7433 hạ cánh lại là đường băng mới tinh chưa làm xong, mới chỉ đổ bê tông nên không được sân bay sơn chữ X để cảnh báo.

Ở trường hợp này, không lưu cần có câu cảnh báo "phi công chú ý nhìn nhầm đường băng 02 đang thi công" thì có thể không xảy ra sự cố.

Một chuyên gia hàng không cho biết, trong sự việc này, người điều khiển máy bay không phát hiện sự nhầm lẫn nhưng cơ trưởng với vai trò là người quan sát, cảnh báo cũng không nhận ra sai sót.

Ông cho hay, khi máy bay hạ cánh cách mặt đất khoảng 15m, nếu tổ lái phát hiện hạ cánh nhầm đường băng hoặc thấy chướng ngại vật vẫn có thể cho máy bay bay lên bình thường.

“Khi vào thềm đường băng cách mặt đất chỉ 15m phát hiện chướng ngại vật như trâu, bò chạy trong đường băng hay vật ngoại lai nghi ngờ mất an toàn, phi công hoàn toàn có thể cho máy bay bay tiếp bình thường. Thậm chí bánh máy bay có thể chìm xuống gần mặt đất vẫn có thể 'bốc' lên bình thường”- vị chuyên gia hàng không cho biết.

Tác giả: Vũ Điệp

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP