Pháp luật

Ông Trần Quý Thanh bị đề nghị 10 năm tù, con gái sợ cha mẹ "khó gặp lại nhau"

Bà Trần Ngọc Bích, con gái ông chủ Tân Hiệp Phát cho rằng với mức án bị đề nghị 9-10 năm tù của ông Thanh sẽ "khó để cha mẹ bị cáo gặp lại nhau...".

Sáng nay, ngày 25/4, TAND TP HCM sẽ tuyên án đối với ông Trần Quí Thanh (cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát) và 2 con gái là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong ngày xét xử 24/4, HĐXX đã luận tội các bị cáo. Theo đó, HĐXX xác định từ tháng 1/2019 đến tháng 11/2020, ông Trần Quí Thanh và 2 con gái đã thực hiện 4 hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại, với tổng giá trị hơn 1.048 tỷ đồng.

Sau 2 ngày xét xử, các bị cáo đã nhận thức hành vi, thành khẩn khai báo, thừa nhận nội dung như cáo trạng quy kết. Chiều ngày 24/4, sau khi kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.

Ông Trần Quí Thanh là người đầu tiên nói lời sau cùng. Đầu tiên, bị cáo nói lời cảm ơn HĐXX, VKS, cảm ơn giám thị và cán bộ trại tạm giam... đã phân tích cho ông hiểu rõ những sai lầm mà bản thân đã thực hiện. Bị cáo cũng mong HĐXX xem xét khoan hồng cho bị cáo có cơ hội sớm trở về.

Báo Dân Trí dẫn thông tin tại tòa cho biết, bị cáo Thanh nghẹn ngào, khóc và nói bản thân trưởng thành từ cô nhi viện, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố nhưng vẫn luôn vượt qua, làm gương cho các con và cộng sự của mình. Bị cáo sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bị cáo và gia đình đã lao động hàng chục năm với mong muốn đóng góp cho xã hội thông qua nghĩa vụ, chính sách và tạo công ăn việc làm cho người lao động, làm từ thiện.

"Vợ chồng bị cáo cùng các con thường xuyên làm việc trực tiếp cùng nhân viên 10 – 16 giờ mỗi ngày. Gia đình bị cáo có chung sứ mệnh là mong muốn xây dựng được một tập đoàn của Việt Nam vươn ra thế giới.

Do vậy, các nhu cầu của từng thành viên đều duy trì ở mức tối giản, không tiêu dùng phung phí, xa hoa. Lợi nhuận thu được đều được tiếp tục tái đầu tư, để tiếp tục lao động, đóng góp. Ai rồi cũng chết và không mang theo gì.

Bị cáo Trần Quí Thanh tại toà - Ảnh: Tiền Phong

Dù đã 70 tuổi, nhưng bị cáo vẫn làm việc vì muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp. Bị cáo có nguyện vọng để lại cho xã hội sự tự hào về những sản phẩm mang thương hiệu Việt và doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới", báo Người lao động dẫn lời ông chủ Tân Hiệp Phát nói tại toà chiều 24/4.

Trong phần lời sau cùng, nhắc về người vợ của mình, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Trần Quí Thanh xúc động nói: "Bị cáo xót xa và biết ơn người vợ mình đã 70 tuổi, lại bị tai biến nhưng lại phải nhận điều hành công việc trong công ty trong hoàn cảnh hết sức khó khăn".

Bị cáo Thanh cho rằng không có ý định dùng những thành công, đóng góp của mình để biện minh cho sai lầm của mình. Bị cáo mong muốn hội đồng xét xử cho bị cáo cơ hội sửa chữa sai lầm của mình để tiếp tục đóng góp.

Ái nữ nhà Tân Hiệp Phát: "Còn thở là còn cống hiến"

Bị cáo Trần Ngọc Bích là người tiếp theo bước lên bục nói lời sau cùng sau ông Trần Quí THanh. Tương tự bố, bị cáo cũng cảm ơn các cơ quan tố tụng đã giải thích cho mình hiểu rõ sai lầm và cảm ơn nhà chức trách đã cho tại ngoại để có điều kiện thực hiện các thỏa thuận của công ty với đối tác.

Bị cáo nói sinh ra và lớn trong gia đình làm kinh tế nên được giáo dục theo phương châm sống là phải cho đi, cống hiến cho xã hội. Bị cáo cảm thấy hối tiếc về lỗi lầm mình đã gây ra và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cha, chị gái và mình.

"Bị cáo nuối tiếc cho cái sai của mình nhưng đây là cơ hội để bị cáo trưởng thành. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo, cha của bị cáo và chị của bị cáo. Cha của bị cáo bị đề nghị quá nặng, với thời gian này, sẽ khó để cha mẹ bị cáo gặp lại nhau..." báo PL TPHCM dẫn lời bị cáo Trần Ngọc Bích nói lời sau cùng.

Là người cuối cùng bước lên bục khai báo, bà Trần Uyên Phương nói rất hối tiếc về hành vi của mình. Bị cáo cũng nghẹn giọng nói 12 tháng bị tạm giam là khoảng thời gian khó quên, để cô chiêm nghiệm lại cuộc sống, và đã chất vấn bản thân rất nhiều.

Bị cáo Trần Ngọc Bích Ảnh: Tiền Phong

Bị cáo cho biết là doanh nhân Việt đầu tiên viết sách bằng tiếng Anh, xuất bản tại Mỹ, kể câu chuyện kinh doanh về thương hiệu Việt thắng thương hiệu nước ngoài.

"Hôm nay đứng đây, bị cáo khẳng định với chính mình 'còn thở là còn cống hiến'. Tất cả những kết quả bị cáo vừa nêu, là đều được học từ ba. Bị cáo rất hối tiếc cho cái sai của mình", VnExpress dẫn lời bà Trần Uyên Phương nói. Bị cáo đồng thời cũng xin tòa xem xét giảm nhẹ, khoan hồng cho cha và em gái.

Khi nghe 2 con gái nói lời sau cùng, ông Thanh nhiều lần cúi mặt xuống lau nước mắt.

Trước đó, HĐXX đánh giá hành vi của bị cáo Thanh ban đầu là giao dịch cho vay chưa cấu thành tội mà chỉ là quan hệ giao dịch dân sự. Tới giai đoạn cuối, khi bị cáo tuyên bố bị hại mất quyền đối với tài sản thì mới phạm tội.

Còn bị cáo Trần Uyên Phương - con gái bị cáo Thanh - tại tòa thừa nhận cáo trạng truy tố. Đối với giao dịch của các bị hại, bị cáo Phương cho biết, không tham gia bàn bạc, chỉ nhận được thông tin bị hại có đất muốn bán, còn mình có nhu cầu mua nên ký hợp đồng.

Về phần bị cáo Trần Ngọc Bích - con út bị cáo Thanh không biết thương lượng nào giữa bị cáo Thanh và bị hại, và chỉ căn cứ thực hiện trên hồ sơ, thỏa thuận giữa các bên.

Từ đó, VKSND TPHCM đề nghị bị cáo Trần Quí Thanh 9-10 năm tù, Trần Uyên Phương 5-6 năm tù, Trần Ngọc Bích 4-5 năm tù.

Tác giả: Trang Anh

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP