Chiều nay, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác tiếp tục với phần xét hỏi.
Theo lời khai của ông Đinh La Thăng, nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 là dự án quan trọng, cần thực hiện cấp bách, được thực hiện theo cơ chế đặc thù và phải khởi công vào quý 1/2009. Vì vậy, PVN đã ép tiến độ xuống dưới.
Trả lời câu hỏi của luật sư: "Sau 10 năm, ông có thấy việc ép tiến độ là nguyên nhân gây phát sinh hệ lụy pháp lý và hệ quả?", bị cáo Thăng nói: "Bây giờ, sau thời gian nhìn lại dự án, đặc biệt sau khi làm việc với CQĐT, VKS và tòa, tôi có đầy đủ các thông tin mà lúc triển khai chúng tôi chưa có.
Ảnh: TTXVN |
Tôi cũng đã chỉ đạo quyết liệt và có lúc nôn nóng. Sau 10 năm nhìn lại dự án, tôi thấy có những việc do ép tiến độ mà anh em cấp dưới không đủ thời gian thực hiện, dẫn đến các vi phạm mà quá trình điều tra tôi đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Mong HĐXX xem xét về bối cảnh thực hiện dự án 10 năm về trước".
Theo ông Đinh La Thăng, PVC có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2 và đến nay PVC vẫn đang thực hiện dự án này. Vụ án xảy ra, bị cáo Thăng mới biết về hợp đồng 33, phần thủ tục thiếu căn cứ pháp lý. Trước đây, bị cáo không hề được báo cáo về việc này.
Vẫn theo lời khai của ông Thăng, bản thân ông không chỉ đạo bất cứ việc gì về tạm ứng. "Hai lần đầu nhận văn bản đề nghị tạm ứng, bị cáo không đồng ý. Lần thứ 3 nhận văn bản đề nghị tạm ứng vào năm 2011, bị cáo chuyển Phó TGĐ giải quyết... Bị cáo không biết việc tạm ứng tiền như thế nào", lời ông Thăng.
Ông Thăng khai, bị cáo luôn chỉ đạo cấp dưới phải thực hiện dự án đúng tiến độ, nhưng thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Sau 10 năm nhìn lại, bị cáo nhận thấy, việc triển khai dự án cách đây 10 năm là sai về thủ tục.
Ảnh: TTXVN |
Về sự chỉ đạo quyết liệt của bị cáo dẫn đến việc anh em không đủ thời gian cần thiết để thực hiện, dẫn đến vi phạm, bị cáo nhận trách nhiệm cho anh em về việc đó.
Nói về kết quả đạt được trong thời gian nắm quyền ở PVN, ông Đinh La Thăng cho rằng, ông đã đưa PVN trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tăng trưởng vốn gấp nhiều lần.
PVN không những trở thành tập đoàn kinh tế có quy mô lớn nhất, mỗi năm mang lại nhiều tỷ USD mà còn lần đầu tiên đóng được dàn khoan trên biển (trước đây phải thuê nước ngoài)...
Ông Thăng mong được HĐXX xem xét cho hành vi của mình đặt trong bối cảnh 10 năm về trước.
"Bị cáo day dứt đối với những tồn tại gây ra, bị cáo xin được nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Do đôn đốc quyết liệt, nóng vội của mình mà khiến anh em lãnh đạo tập đoàn vi phạm. Nhưng bị cáo không có động cơ cá nhân trong việc này", lời ông Thăng.
Tại tòa, đại diện PVC yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho PVC và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. |
Tác giả: T.Nhung
Nguồn tin: Báo VietNamNet