Tin địa phương

Nước thải đen ngòm đổ ra biển Đà Nẵng: Rất nguy hại!

Các nhà máy, khu đô thị chỉ tập trung sản xuất thu lợi mà không chịu đầu tư hệ thống xử lý nước thải đã xả thẳng ra biển.

Doanh nghiệp chỉ biết đến lợi

Chiều tối ngày 8/5/2019, cơn mưa sau chuỗi ngày nắng nóng tại TP. Đà Nẵng đã xả hàng chục nghìn m3 nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc tuôn trào ra biển qua các cống xả trên đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa.

Trao đổi với Đất Việt về nguyên nhân của tình trạng trên, GS.TS Nguyễn Thế Hùng - Khoa Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, đây là hệ quả của việc quá nhiều nhà máy, khu đô thị được xây dựng và đi vào hoạt động ở TP. Đà Nẵng mà không chịu đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đổ thẳng ra biển.

Nước thải tạo thảnh mảng đen ngòm ở cửa sông Cái đoạn qua khu dân cư Hà Ra. Ảnh do người dân chụp.

"Các nhà máy chế xuất hoạt động cùng với nước thải sinh hoạt từ các khách sạn, chung cư không qua hệ thống xử lý thải, hoặc hệ thống xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn đã xả cùng với hệ thống đường ống thải sinh hoạt của người dân.

Mấy ngày trước thời tiết ở Đà Nẵng nắng nóng, chất thải tích tụ lại khiến cho chất bẩn càng bẩn thêm. Đến khi gặp mưa lớn, các van xả phải mở hết công suất. Chính vì thế mà nước thải xả ra biển ngày 8/5 có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, rất ô nhiễm" - GS.TS Nguyễn Thế Hùng nói.

Theo ông Hùng, phần lớn sự ô nhiễm này đến từ các nhà máy sản xuất trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Bởi, nước thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn từ trước tới nay đều đổ ra biển nhưng chưa bao giờ xuất hiện tình trạng nước đen kịt, bốc mùi đến thế. Chỉ có nước thải công nghiệp chứa các chất kim loại độc tố nặng như chì, thủy ngân... từ các nhà máy sản xuất gang thép, bao bì thì mới đến mức như vậy.

"Điều này rất nguy hiểm, nước thải chứa độc tố chì, thủy ngân xả ra biển sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới đời sống sinh vật biển, và có thể mất tới hàng trăm năm để môi trường có thể đào thải các độc tố, tái tạo lại" - ông Hùng cho hay.

Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua TP. Đà Nẵng chủ trương xử lý nước ở các hồ chứa trước khi xả ra biển.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, chính sách này không giải quyết được căn nguyên của vấn đề vì các nhà đầu tư không chú trọng tới việc đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, đường ống thoát nước hoặc nếu có cũng không đạt tiêu chuẩn.

Bởi, để có được một hệ thống xử lý nước thải rất tốn kém, còn các doanh nghiệp thì chỉ chú trọng đến lợi nhuận, làm sao thu lợi nhiều nhất mà mặc kệ vấn đề môi trường, dân sinh chung của cả thành phố.

Nước thải đen ngòm xả thẳng ra biển Đà Nẵng ngày 8/5/2019.

Điều quan trọng nằm ở người duyệt quy hoạch dự án, không quá dễ dãi phê duyệt cho những nhà máy, khu đô thị có hạ tầng yếu kém vẫn được xây dựng, đi vào hoạt động thì mới hạn chế được tình trạng ô nhiễm như hiện nay.

Vị chuyên gia này cho biết, hiện tại TP. Đà Nẵng phần lớn nước thải công nghiệp đều sử dụng chung hạ tầng với hệ thống thoát nước thải sinh hoạt. Trong khi cái chính vẫn là hệ thống xử lý nước thải của mỗi nhà máy, khu đô thị trước khi đi vào đường ống xả ra biển.

GS. TS Nguyễn Thế Hùng cho biết: "Nếu nước thải không được xử lý đúng tiêu chuẩn từ trong nhà máy thì khi hòa chung vào với nước thải sinh hoạt, tình trạng ô nhiễm càng trở lên trầm trọng hơn. Đây cũng là tình trạng chung của các tỉnh của Việt Nam chứ không riêng gì Đà Nẵng".

Quản lý lỏng lẻo...

KTS Hồ Duy Diệm - nguyên Chủ tịch Hội quy hoạc TP. Đà Nẵng trước đây cũng từng phân tích nguyên nhân nước thải ô nhiễm đổ thẳng ra biển Đà Nẵng là do công tác quản lý không khoa học và tạm bợ.

Ngày thường, hệ thống cống ở các cửa biển dù được xây nhưng lại bị bịt để nước thải không thoát ra ngoài. Trời mưa, nước đổ ra ào ạt xé toạc các cửa xả và tuôn ra biển.

Bên cạnh đó, việc xây dựng tràn lan các khu cao ốc mà không đầu tư hệ thống hạ tầng đúng mực đã gây ra nhiều áp lực. Cộng với việc quy hoạch công năng ven sông khiến cho nước thải bị ứ đọng, không thoát ra được, lâu ngày sẽ bốc mùi xú uế.

Nói về giải pháp cho vấn đề này, KTS Hồ Duy Diệm cho rằng không khó, hàng trăm đô thị trên trến giới đã và đang áp dụng theo cách nước mưa cho chỗ thoát riêng, 10 phút đầu nước mưa cho đổ vào hệ thống cống còn sau đó nước đã sạch thì có thể đổ ra biển.

Toàn bộ nước thải bẩn thì phải đổ vào hệ thống cống, xử lý sạch mới được bơm xả ra biển.

Tác giả: Vân Nam

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP