Giới trẻ

Những trò lừa đảo trên mạng gây 'náo loạn' thời gian qua

Các cuộc gọi lừa đảo báo nợ cước, giả mạo trang bán hàng của thương hiệu lớn và mới nhất là lừa đảo qua email... đang có chiều hướng tăng mạnh. Người dùng cần cảnh giác tránh mất tiền và thông tin cá nhân.

Gửi email cần đầu tư vào Việt Nam để lừa đảo

Mới đây Bộ Công an cũng phát đi thông báo cho người dân về tình trạng lừa đảo mới qua email hòng chiếm đoạt tài sản.

Email của các đối tượng lừa đảo mới

Cụ thể, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an thông báo một số đối tượng tự xưng là người nước ngoài gửi email đến người dùng trong nước nội dung nôm na rằng: "Đang sở hữu một số tiền lớn hơn 2 triệu USD, cần đầu tư vào những dự án có lợi nhuận ở nước bạn. Vì tình hình chính trị ở Syria nên sẵn sàng cung cấp 30% số tiền cho bạn để đứng làm người hưởng lợi...".

Ngay khi dẫn dụ được "con mồi", các đối tượng này bịa ra nhiều lý do khác nhau, yêu cầu người bị hại chuyển cho chúng các khoản phí dịch vụ tương ứng, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đây là hình thức lừa đảo không quá mới với thủ đoạn đánh vào lòng tham, sự cả tin của con người để trục lợi. Do đó, cần tỉnh táo để tránh gặp phải những đối tượng trên.

Lừa đảo báo nợ cước để trục lợi

Giả mạo tổng đài của VNPT, nhiều đối tượng lừa đảo đã gọi điện nhắc nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng tại Việt Nam trong thời gian ngắn trở lại đây.


Các đối tượng này mạo mạo danh nhân viên VNPT hoặc Tổng đài VNPT gọi cho khách hàng nhắc nợ cước với số tiền lớn. Những đối tượng này yêu cầu khách hàng thanh toán ngay qua thông tin tài khoản chúng cung cấp, nếu không sẽ tạm dừng dịch vụ và khởi kiện ra tòa.

Đại diện từ VNPT cho biết, mục tiêu những đối tượng này không đơn thuần chỉ câu thời gian đàm thoại giữa thuê bao tới các tổng đài lạ do chúng dẫn dụ để hòng chiếm tiền cước phát sinh mà còn có tính uy hiếp, lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tống tiền người dân.

Thậm chí, VNPT cũng cho biết, có một số phản ánh khác là những đối tượng giả mạo cơ quan công an điều tra các vụ án buôn lậu... để yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng để xác minh số tiền trên có trong sạch không. Mục đích chính để chiếm đoạt tài sản.

Đại diện VNPT cũng đưa cảnh báo, VNPT không thực hiện việc nhắc nợ cước qua bất kỳ hình thức hộp thư ghi âm tự động. Do đó, nếu có nhắc nợ qua số tổng đài, hãy báo ngay đường dây nóng của VNPT 800126 để phản ánh.

Giả mạo tên bạn bè để lừa tiền trên Zalo

Mới đây, một giám đốc hệ thống bán lẻ lớn ở Thanh Hóa bị một đối tượng sử dụng tài khoản Zalo giả mạo danh tính của một người bạn thân để chiếm đoạt số tiền lên đến 15 triệu đồng.

Cụ thể, đối tượng này sử dụng một tài khoản Zalo có tên trùng và hình ảnh đại diện trùng với tên của người bạn của người bị hại. Sau đó yêu cầu kết bạn. Tưởng là bạn bè của mình, vị giám đốc trên ngay lập tức đồng ý. Tuy nhiên, ngay sau đó, tài khoản giả mạo này biện ra nhiều lý do vì không di chuyển được trong trời mưa để đến ngân hàng chuyển tiền nên nhờ giúp đỡ, chuyển hộ số tiền 2 lần là 15 triệu đồng.

Tưởng rằng bạn bè đang kẹt việc, vị giám đốc trên không mảy may nghi ngờ và giúp đỡ bạn bè nhiệt tình. Tuy nhiên, sau khi chuyển xong và kiểm tra lại, mới tá hỏa đây là tài khoản giả mạo bạn bè của mình.

Vị giám đốc này cũng chia sẻ thêm, trong tối hôm trước, trên Facebook của bạn anh cũng up ảnh hai anh em ngồi uống bia với nhau. Chắc những kẻ lừa đảo này đã theo dõi và tìm hiểu trước khi ra tay.

Do đó, lời khuyên được đưa ra, người dùng nên hạn chế chia sẻ nhiều thông tin đời tư của mình trên Internet. Đó sẽ là con dao hai lưỡi, giúp cho nhiều kẻ lừa đảo có thể trục lợi bất cứ lúc nào.

Đồng thời, hãy ngừng giao dịch trên internet, trước khi có những lời xin giúp đỡ mượn tiền, nạp card hộ... thì hãy liên hệ ngay đến bạn bè để đảm bảo rằng thông tin chính xác. Đây cũng là hành động để giúp cho nhiều người khác không bị lừa đảo vì sự mạo danh.

Giả mạo fanpage, bán hàng giá rẻ để trục lợi

Gần đây, rất nhiều fanpage mang tên "na ná" các thương hiệu bán lẻ lớn ở Việt Nam để dụ dỗ khách hàng like trang nhằm trục lợi.

Cụ thể, một số fanpage như Điện máy Chính hãng, giả mạo fanpage Điện máy Xanh (thuộc Thế giới Di động) để qua mặt người tiêu dùng.

Đáng chú ý, các đối tượng làm fanpage này sử dụng logo, hình ảnh và thậm chí chia sẻ các bài viết trên trang chính thức của Điện máy Xanh để dẫn dụ người dùng đến và like trang fanpage.

Để hòng thu hút thêm lượt quan tâm, các đối tượng giả mạo trang fanpage này còn đưa ra nhiều chiêu trò, đánh vào sự cả tin của người dùng. Chẳng hạn, chúng tung tin xả hàng iPhone 6 giá 100 ngàn đồng nhân dịp khai trương chi nhánh Điện máy Xanh thứ 1000... Yêu cầu đơn giản chỉ cần like, share và để lại bình luận màu sắc yêu thích là có thể mua được sản phẩm.

Theo một đại diện trong ngành digital tại VN trước đó cho biết, các đội tượng dùng tên của người nổi tiếng, hoặc các thương hiệu nổi tiếng để tạo Fanpage mục đích dễ tăng lượng người quan tâm và theo dõi nhanh chóng. Nếu có khả năng tạo ra nội dung tốt sẽ củng cố thêm niềm tin đối với người theo dõi và từ đó, lôi kéo thêm nhiều người quan tâm đến, tăng lượng theo dõi. Tất nhiên khi lượng theo dõi lớn sẽ đồng nghĩa với việc tạo ra giá trị cho trang và dùng vào các mục đích kiếm lợi nhuận, chẳng hạn bán và chuyển đổi tên fanpage cho mục đích khác, kiếm tiền, quảng cáo... Hình thức này cũng đang gia tăng việc giả mạo thông tin trên internet, gây ảnh hưởng , nhiễu loạn thông tin và người dùng cần cảnh giác hơn.

Đại diện từ Thế giới Di động cũng cho biết, ngoài fanpage chính thức, các fanpage có tên khác đều là giả mạo.

Do đó, người dùn cần tỉnh táo lựa chọn và bấm theo dõi bất cứ fanpage nào. Đối với người nổi tiếng, hầu hết sẽ có dấu xác nhận để biết rằng, đó là fanpage chính thức của họ (xem trên ảnh minh họa). Người dùng có thể dựa vào dấu xác nhận để biết rõ đâu là fanpage chính thức.

Ngoài ra, các hình thức tặng, bán hàng giá rẻ, mượn tiền hiện cũng đang biến tướng vô cùng tinh vi trên Facebook, Zalo. Gần đây nhất là bán Nokia 3310 nhái với mức giá rẻ gấp đôi hàng thật... Vì vậy, hãy lựa chọn thông tin và cảnh báo ngay đến các nhà quản lý để có biện pháp xử lý.

Tác giả: Gia Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP