Giới trẻ

Mạng xã hội và câu chuyện 'nghe bằng hai tai'

Chưa bao giờ, sức mạnh của mạng xã hội lại được phát huy như thời điểm này, khi mà bất cứ một thông tin “lạ” nào được đưa ra cũng đủ khiến cả cộng đồng sục sôi. Cư dân mạng dường như đang trở thành những “người mù” bị dắt mũi theo những luồng thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng, để rồi từ đó, bao hệ lụy xảy ra.

Lời xin lỗi của mẹ cháu bé chơi đàn vĩ cầm kiếm tiền ở Bờ Hồ sau khi có phát ngôn quá khích về cơ quan chức năng.

Khi cư dân mạng “cuồng” chửi bới

Mới đây, người mẹ trong câu chuyện “cậu bé kéo vĩ cầm ở bờ hồ” đã lên tiếng xin lỗi cơ quan chức năng vì những phát ngôn một chiều và quá lố của mình. Trước đó, sau những bài đăng đầy bức xúc trên mạng của ông bố và bà mẹ cậu bé về chuyện con mình bị cơ quan quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm bắt nạt, bị đối xử bất công khi đang chơi vĩ cầm, khiến cháu phải khóc, cư dân mạng đã sục sôi.

Từ đó, thông tin lan truyền khắp mạng xã hội, không ít lời chê trách, thậm chí chửi bới, sỉ vả đã dành cho cơ quan công an. Những lời chia sẻ, bình luận đi quá xa, khiến sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Thế nhưng sau đó, theo những người chứng kiến và biết chuyện, cùng với việc công bố bản báo cáo của đoàn kiểm tra thì câu chuyện thực sự không phải thế. Sự thực là lực lượng chức năng chưa có hành động nào quá, nhưng cha cậu bé đã luôn miệng chửi bới, xúc phạm họ, và chính cậu bé, trước sự kích động của bố, cũng đã chửi bới công an. Mẹ cậu bé, chỉ nghe lời kể thiên lệch của người trong gia đình đã lên mạng trút bức xúc, khiến dư luận nổi sóng.

Sau lời xin lỗi của người mẹ, câu chuyện dường như đã khép lại, nhưng nó để lại đằng sau bao câu hỏi ngơ ngác: Thế, những người “việt vị” vì vừa nghe chuyện đã chửi cơ quan chức năng thậm tệ thì sẽ “chữa thẹn” thế nào, và hậu quả của những trận chửi bới ấy, hình ảnh của cơ quan chức năng bị hiểu lầm, bị bôi xấu, ai sẽ gánh chịu trách nhiệm? Thậm chí, đến nay vẫn không ít “fan” hâm mộ của bà mẹ (vốn là một người kinh doanh online khá nổi tiếng), vẫn cố chấp bám vào niềm tin rằng, mẹ cậu bé vì “sức ép” nên mới phải xin lỗi, gia đình ấy không sai, người sai là cơ quan công an.

Cũng vừa mới đây, cơ quan công an TP Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt một cá nhân tung tin về “lễ hội sờ ngực từ thiện” diễn ra ở Đà Nẵng. Để câu like, tăng doanh số cho cửa hàng máy tính của mình, người này đã tung tin tại Công viên 23/9, Đà Nẵng sẽ diễn ra một lễ hội mà người tham dự sẽ được sờ ngực các thiếu nữ miễn phí, quyên tiền làm từ thiện.

Kiểu tung tin câu like này không hiếm, nhưng điều đáng nói là ở khía cạnh những người tiếp nhận thông tin. Không ít cư dân mạng đã không hề nghi ngờ trước nguồn tin thất thiệt này, thi nhau like, chia sẻ, rủ nhau đi tham gia lễ hội. Trong số đó, cũng có không ít người chế giễu, chửi bới chính quyền TP Đà Nẵng quản lý lỏng lẻo, để cho loại hình lễ hội thiếu văn hóa này diễn ra (!).

Cần lựa chọn giữa sự vùi dập và tình yêu thương!

Quả thật, mạng xã hội đã trở thành một công cụ hữu ích cho những kẻ vô công rồi nghề muốn “làm nổi”, hoặc những kẻ muốn kinh doanh trục lợi bằng cách tạo sự chú ý của đám đông. Không ít lần, cộng đồng mạng đã “mắc lỡm” bởi những tin đồn chưa xác định như thế: tin “sái cổ” trước những thông tin sai lệch như rơi máy bay, bắt cóc lấy nội tạng, các tin đồn thất thiệt liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước; hùa nhau chửi bới, sỉ nhục người khác chỉ với vài bức ảnh, clip được cắt ghép; thương cảm, xót xa, thậm chí quyên góp tiền cho những tình cảnh bất hạnh mà chỉ mới thấy được thông tin, hình ảnh, chưa có gì làm bằng cớ đây là câu chuyện thật đang tồn tại…

Thực tế thì, những bức ảnh, những clip, những câu chuyện đôi khi chỉ thế hiện một phần rất nhỏ của sự thật đằng sau, thậm chí đã bị bóp méo, sai lệch so với sự thật. Không ít lần, những nạn nhân của tin đồn, của hình ảnh đã phải chịu biết bao áp lực đáng sợ, phải đính chính và nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp để lấy lại danh dự và sự bình an cho mình.

Trong cuộc sống, người ta thường nhắn nhủ nhau “nghe bằng hai tai”, để có thể sáng suốt nhận diện sự thật. Trên mạng ảo, nơi thị phi trắng đen khó kiểm chứng, nơi không ít người dùng bàn phím, câu chữ để phục vụ lợi ích bất chính cho mình, bất chấp tổn hại đến người khác thì sự tiếp nhận thông tin càng phải thận trọng hơn nữa: Không chỉ cần nghe bằng hai tai mà phải nhìn nhận bằng cả lý trí, cảm nhận bằng cả trái tim.

Bởi, những bình luận, chia sẻ chỉ là hành động trên thế giới ảo, nhưng sự tổn thương là có thật. Thiếu bình tĩnh và hùa theo đám đông mù quáng, rất có thể, những câu chữ tưởng như vô hại mà người ta buông ra rồi quên ngay ấy, có thể hại đến sinh mạng, đến tương lai một/ nhiều con người.

Cẩn trọng trước mọi thông tin, tiếp nhận chừng mực cũng chính là cách mà một con người văn minh hành xử trên mạng để thế giới ảo giảm tiêu cực, bớt chuyện đau lòng, đem lại nhiều hơn lợi ích và tình yêu thương.

Tác giả: Trân Trân

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP