Trong nước

Lừa đảo “chạy án” và những chuyện bi hài

“Vô phúc đáo tụng đình” - câu nói của người xưa quả không sai... Chẳng ai sung sướng khi sa chân vào trốn pháp đình, vì thế nhiều gia đình khi có người thân vướng vào vòng lao lý thì tìm mọi cách để “chạy án”. Đánh vào tâm lý trên, không ít đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong những trường hợp như vậy, gia đình người bị hại thiệt đơn, thiệt kép; một số trường hợp đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”...

Bài 1: Nước mắt người trong cuộc

Sau khi bị cú lừa ngoạn mục, ông Vũ Hoài T. (trú tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), nạn nhân của một vụ lừa đảo “chạy án” có phần cảnh giác hơn. Ông ngại ngần khi tiếp xúc với người lạ, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông ban đầu vì thế khá gượng gạo... Ông T. chỉ là một trong nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo “chạy án” mà chúng tôi có dịp tiếp xúc trong quá trình viết loạt bài này. Nhiều gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn khi dồn hết tiền cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bán cả đàn lợn để chạy án cho con

Trong vụ việc này, số tiền ông Vũ Hoài T. và gia đình bị lừa đảo, chiếm đoạt là 10 triệu đồng. Đó là một khoản không nhỏ đối với người nông dân quanh năm một nắng, hai sương như gia đình ông T.

“Để có khoản tiền trên, gia đình chúng tôi phải bán đi một đàn lợn... Số tiền này, chúng tôi dự định dùng để trả tiền vay vốn Hội Phụ nữ xã. Mà sao, lúc đó tôi lại mê muội tin vào lời nói của anh ta, dù chưa một lần gặp mặt” ông T. thốt lên! Chừng như xót của, ông ngồi thần ra một lúc mới tiếp tục câu chuyện với chúng tôi.

Trong 7 năm Vũ Hoài Khanh (35 tuổi, trú tại huyện Kinh Môn) bỏ trốn, ông cùng vợ tần tảo nuôi con trai riêng của Khanh với người vợ cũ, bị tim bẩm sinh từ nhỏ... Thương đứa cháu bệnh tật, lại sớm thiếu vòng tay chăm sóc của cả cha và mẹ, ông T. dồn hết tình yêu thương cho đứa cháu nội côi cút. Thế nhưng, tuổi ông ngày càng già. Và dù có bù đắp bao nhiêu thì vợ chồng ông cũng không thể thay thế được tình cảm của bố, mẹ dành cho con.

Cha mẹ nào mà chẳng thương con, chẳng lẽ cả đời Khanh cứ phải sống chui, sống lủi. Rồi tuổi già như chuối chín cây, ai sẽ thay ông bà chăm sóc cậu cháu nhỏ. Vì thế, sau khi Công an huyện Kinh Môn; Công an xã Tân Dân vận động, thuyết phục, ông và gia đình đã hợp tác, đưa Khanh đến cơ quan Công an đầu thú.

Ông T. ngậm ngùi: 7 năm đằng đẵng xa con với bao nỗi nhớ nhung tha thiết, ngày Khanh trở về nhà mang theo vợ con, ông T. và vợ mừng rơi nước mắt. Bữa cơm sum họp mà ông và gia đình xin phép cán bộ Công an để được đoàn viên với cậu con trai lầm lỗi, nước mắt của người đàn ông ấy xen lẫn với cơm. Cho đến tận lúc đó, con dâu ông là chị Hà Thị Thủy vẫn không hề biết, người đàn ông chị trao thân, gửi phận lại là một đối tượng truy nã. Vì sợ nhân thân của mình bị bại lộ, 7 năm qua Khanh chưa một lần đưa vợ về ra mắt gia đình bên chồng. Ngày hôm đó, khi đưa vợ, con về thăm gia đình, Khanh cũng không hề nói ra sự thật ấy...

Tờ mờ sáng ngày 1-4, Khanh lầm lũi vác túi quần áo ra khỏi nhà đến Công an huyện Kinh Môn. Nhìn cảnh con trai bùi ngùi ngắm vợ và con đang say giấc tròn, ông T rơi nước mắt. Suốt đêm hôm trước, người cha ấy đã phải đấu tranh với chính mình rất nhiều. Chẳng ai muốn con mình vào ngục tù. Rồi ông lại tự trấn an mình, liệu vợ và con của Khanh có tha thứ cho người chồng lầm lỗi, khi sự thật được phơi bày. Và người cha ấy chỉ có một mong muốn duy nhất là Khanh sớm được trở về đoàn tụ cùng với gia đình.

Giữa lúc cả gia đình đang chơi vơi, hụt hẫng thì một "vị khách đặc biệt" xuất hiện. Anh ta chừng khoảng 30 tuổi, ăn vận gọn gàng, tự giới thiệu là Vũ Quang Minh, hiện đang công tác tại Bộ Nội vụ.

Qua câu chuyện, anh ta nói rằng có bố đẻ năm nay ngoài 60 tuổi, hiện đang là thư ký cho một vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước. Trước đây, anh ta học cùng với Khanh nhưng sau đó thì có thời gian dài du học ở Nga. Sau khi về nước, anh ta nhiều lần liên lạc với Khanh nhưng không được... Nếu không, anh ta sẽ vận động Khanh đến cơ quan Công an đầu thú.

Trong quá trình nói chuyện, anh ta còn nói với ông T. rằng Khanh đang bị giam giữ cùng với một số đối tượng có hành vi đánh bạc... và còn kể rất nhiều chuyện khác liên quan đến Khanh. Chính vì thế, anh ta đã lấy được lòng tin của ông T. và gia đình. Trước khi ra về, đối tượng còn hào phóng “mừng tuổi” cho con của Khanh 50 nghìn đồng và hứa "chắc như đinh đóng cột” rằng anh ta sẽ lo giảm án cho Khanh.

Vài ngày sau buổi gặp gỡ đó, người đàn ông tên Minh lại chủ động liên lạc với ông T., yêu cầu ông và gia đình về Hà Nội để hoàn tất cả thủ tục xin giảm án cho con trai. Đối tượng yêu cầu ông T. viết sẵn một lá đơn, xác nhận gia đình liệt sỹ... Trong quá trình trao đổi, đối tượng còn nhấn mạnh rằng, tất cả các đơn xin giảm án của Công an các huyện và tỉnh trong cả nước gửi về Bộ Nội vụ, đều qua chỗ anh ta xét duyệt và còn rất nhiều thông tin khác nữa.

Đúng ngày hẹn, khoảng đầu tháng 5-2016, ông T. cùng con dâu khăn gói về Hà Nội. Trước ngày đó, vợ chồng ông bán đàn lợn được 10 triệu đồng, nhưng đã tiêu hết 1 triệu đồng còn cô con dâu thì mang theo 3 triệu đồng.

Điểm hẹn là một quán nước, liền sát với trụ sở của một đơn vị Công an. Sau khi thỏa thuận, đối tượng yêu cầu ông T. đưa 10 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Minh đút tiền vào một chiếc phong bì rồi cho vào chiếc cặp mang theo người. Sau khi trao đổi một lúc, anh ta lại bất ngờ thay đổi ý định, đưa lại cho ông T. tập tiền để trong phong bì rồi nói khi nào xong việc sẽ nhận.

Theo lời của ông T. thì khi cầm chiếc phong bì có đóng gói cẩn thận, ông chắc mẩm đó là tiền nên không kiểm tra lại... Sau khi thống nhất, các đối tượng mời hai bố con ông T ăn cơm. Nhưng bất ngờ có điện thoại. Sau khi nhấc máy, anh ta yêu cầu ông T. và con dâu ngồi chờ ở quán nước để anh ta đi vào đơn vị, giải quyết một số việc rồi sẽ quay về.

Ông T. và con dâu ngồi chờ cho đến khi bụng đã đói mèm thì gọi cho Minh nhưng thuê bao đều không liên lạc được. Chột dạ, họ kiểm tra bọc tiền thì bên trong chỉ là những tập giấy trắng. Sau sự việc xảy ra, vì sợ bị làng xóm chê cười, ông giấu nhẹm. Cho đến khi được lực lượng Công an xã giải thích, cần phải viết ra để làm bài học phòng ngừa cho những người khác...

Mất tiền tỷ vì nhẹ dạ


Kẻ lừa đảo chạy án Ngô Trung Tăng.

Chị Lê Thanh Tâm (trú tại khu 8, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), là cán bộ Công ty cổ phần Pin ắc quy Vĩnh Phú, chi nhánh Hà Nội. Vụ việc được sáng tỏ vào khoảng cuối năm 2015, khi nạn nhân có đơn gửi đến cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngô Trung Tăng (47 tuổi, trú tại thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, bác ruột của chị Tâm, có liên quan đến một vụ tranh chấp dân sự đã tìm đến thầy bói Tăng nhờ giúp đỡ. Trong khi Tòa án kinh tế, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đang xem xét xử lý thì Tăng giới thiệu rằng anh ta có quen biết với nhiều lãnh đạo cấp cao của Bộ Công an, Viện Kiểm sát và Công an TP Hà Nội có thể giúp được người bị hại thoát án.

Chính vì thế, bác ruột của chị Tâm đã chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế toán của công ty chuyển tiền cho Tăng 6 lần là 538 triệu đồng mà không ký nhận gì. Sau thời gian đó, đối tượng còn yêu cầu bác ruột của chị Tâm chuyển thêm tiền nhưng do hứa hẹn mà chưa có kết quả nên bác ruột của chị Tâm không đưa tiền nữa.

Bẵng đi một thời gian, bác ruột của chị Tâm bị bắt. Lúc này, gia đình vô cùng lo lắng. Đánh trúng vào tâm lý đó, đối tượng Tăng đã liên hệ với chị Tâm. Trong tình cảnh “nước sôi, lửa bỏng" đó, chị Tâm tin ngay. Vì thế, chị Tâm tiếp tục chuyển thêm cho Tăng 500 triệu đồng. Nhưng sau đó, đối tượng không lo được việc cũng như cắt toàn bộ liên lạc với chị.

Chỉ bằng “nước bọt” và những lời nói khoa môi, múa mép, không ít những kẻ “chạy án” đã dễ dàng ẵm nhiều tỷ đồng của gia đình người bị hại. Vậy thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “chạy án” như thế nào mà có nhiều con mồi sập bẫy?

Tác giả bài viết: Xuân Mai

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP