Du lịch

Những hình ảnh đầu tiên trong hai hang động mới ở Bái Tử Long

Mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh đầu tiên về vẻ đẹp lộng lẫy, kỳ bí ở hai hang động mới ở hòn Phất Cờ (vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh) vừa được công bố do PV báo Tuổi Trẻ ghi lại.


Nhũ đá hay thạch nhũ được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm, nghìn năm. Nó là khoáng vật hang động thứ sinh treo trên trần hay tường của các hang động - Ảnh: Nguyễn Khánh

Từ một lần đi chăn dê cách đây hơn 3 năm, ông Nguyễn Sỹ Bính, một người dân địa phương đã phát hiện nơi này. Giờ đây, ông Bính coi nó là đứa con tinh thần của mình.

“Ở đây chỉ có một con đường độc đạo để vào hang, tôi phải làm một cánh cửa sắt và khóa lại để tránh sự nhòm ngó của người lạ. Khi công nhân xây dựng con đường dẫn vào hang tôi cũng đề nghị họ không được bôi bẩn hoặc đụng chạm đến những măng đá và nhũ đá đang phát triển tại đây”, ông kể.

“Vợ chồng tôi phát hiện hang này từ hơn ba năm nay nhưng mãi đến tuần trước mới đưa một nhóm người đầu tiên ở Phòng Văn hóa huyện Vân Đồn cùng một công ty du lịch đi xem. Giờ các anh là nhóm thứ hai tôi đưa lên hang” - ông Bính cho biết thêm.

Đặt chân đến khu vực này, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ không khỏi ngỡ ngàng trước sự kiến tạo kỳ vĩ của tự nhiên. Những cột đá nối dài hình thành từ sự kết hợp của măng đá và nhũ đá nối liền với nhau sau hàng nghìn năm hình thành cứ thế hiện ra thật kỳ vĩ và lộng lẫy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thùy Dương, trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết hai hang động do ông Bính phát hiện là hai hang động mới, chưa được cơ quan chức năng biết đến, ban quản lý cũng chưa từng thực hiện đợt khảo sát và kiểm tra nào tại khu vực này.

“Chúng tôi sẽ xác định giá trị và tiềm năng của các hang động này xem phù hợp khai thác ở lĩnh vực nào rồi mới báo cáo UBND tỉnh. Có thể bổ sung các hang động này vào quy hoạch để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị hang động” - bà Dương nói.

Sau đây là những hình ảnh được PV báo Tuổi Trẻ ghi lại:


Những nhũ đá khổng lồ xếp lên nhau khiến nhóm phóng viên cảm thấy rất bất ngờ - Ảnh: Nguyễn Khánh


Những nhũ đá nhọn từ trần hang đâm tua tủa xuống mặt đất - Ảnh: Nguyễn Khánh


Măng đá và nhũ đá kết lại với nhau tạo thành những cột đá phía trong hang động, quá trình kiến tạo này có thể kéo dài hàng nghìn năm - Ảnh: Nguyễn Khánh


Ngay cạnh cửa hang, là một tầng vỏ ốc hóa thạch vốn thường tìm thấy trong các di tích khảo cổ, phát hiện này có giá trị rất lớn về địa chất, địa mạo và lịch sử hình thành vịnh Bái Tử Long - Ảnh: Nguyễn Khánh


Những khối đá màu xanh lục bảo phía trong hang động - Ảnh: Nguyễn Khánh


Một giọt nước từ nhũ đá chuẩn bị nhỏ xuống phía dưới. Những giọt nước nhỏ xuống lâu ngày sẽ tạo ra những măng đá. Quá trình kiến tạo này có thể kéo dài hàng trăm đến hàng nghìn năm - Ảnh: Nguyễn Khánh


Một cột đá phía trong hang động - Ảnh: Nguyễn Khánh


Ở những nơi có ánh sáng, xuất hiện một số loại cây thuộc họ dương xỉ - Ảnh: Nguyễn Khánh


Ông Nguyễn Sỹ Bính - người phát hiện hang động này cách đây 3 năm - ở cửa hang. Hiện tại ông Bính vẫn chưa tìm được một cái tên phù hợp để đặt tên cho hang động này - Ảnh: Nguyễn Khánh


Từ ngoài cửa hang có thể ngắm nhìn một góc của vịnh Bái Tử Long. Do nằm trơ trọi giữa biển nên phải dùng thuyền để đến hang động này - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tác giả bài viết: NGUYỄN KHÁNH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP