Phá rừng lim quý hiếm
Quảng Nam là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trong cả nước. Những năm gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng ở địa phương đã có nhiều nỗ lực, song công tác bảo vệ rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mới đây, dư luận cả nước lại hết sức bất ngờ lẫn bức xúc khi tại huyện biên giới Nam Giang, lại tiếp tục xảy ra một vụ phá rừng với quy mô lớn, hậu quả để lại cực kỳ nghiêm trọng.
Vấn nạn phá rừng diễn biến khá dai dẳng ở Quảng Nam |
Theo đó, khu vực bị tàn phá mới bị phát hiện là khu rừng lim quý hiếm thuộc Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang. Đây là khu rừng thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Cụ thể, đã có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ. Trong đó, có 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào. Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại 235,111 m3. Trong đó, gỗ lim xanh 223,121m3 và gỗ xoan đào 11,990m3… Sau khi chặt hạ, cưa thành nhiều phách, các đối tượng lâm tặc đã vận chuyển trót lọt một lượng lớn gỗ quý hiếm này ra khỏi khu rừng.
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, khi phát hiện vụ phá rừng với quy mô lớn này, tại hiện trường có nhiều cây gỗ lim với đường kính từ 1 đến 3m đã bị chặt hạ một cách không thương tiếc. Xung quanh các gốc cây lớn, còn ngổn ngang những phách gỗ bìa, cành to, cành nhỏ… nằm ngổn ngang như một công trường khai thác gỗ trong rừng sâu.
Điều đáng nói, theo nhiều người để có thể đốn hạ, rồi vận chuyển một số lượng gỗ lim quý hiếm như vậy ra khỏi hiện trường, đòi hỏi các đối tượng lâm tặc phải cần đến rất nhiều thời gian mới có thể thực hiện được. Trong khi, lại không bị các lực lượng chức năng phát hiện, kịp thời ngăn chặn?
Được biết, cánh rừng lim tại xã Chà Val, huyện Nam Giang là một trong những khu rừng lim nguyên sinh, quý hiếm ít ỏi còn sót lại ở Quảng Nam cũng như ở khu vực miền Trung. Trước đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã có kế hoạch lập hồ sơ trình Chính phủ xin lập Vườn Quốc gia để bảo tồn giống lim xanh bản địa quý hiếm ở địa phương.
Trên thị trường, gỗ lim có giá trị kinh tế rất cao. Với giá bán khoảng 30 triệu đồng/m3, mỗi cây gỗ lim lâu năm có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây là loại cây quý hiếm thuộc nhóm 2A trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt. Bởi vậy, ở các cánh rừng, đây cũng là một trong những loại cây luôn được các đối tượng lâm tặc tập trung nhắm đến để khai thác bất hợp pháp.
Cần ngăn chặn triệt để
Như đã nói ở trên, Quảng Nam là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên còn khá lớn trong cả nước. Tỉnh nằm giáp ranh với khu vực Tây Nguyên, nơi tình trạng phá rừng cũng đang diễn ra khá nhức nhối. Chỉ trong một thời gian ngắn, tại Quảng Nam liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng với quy mô lớn, gây bức xúc trong dư luận cả nước. Bởi vậy, đòi hỏi chính quyền địa phương phải có những biện pháp “mạnh tay” hơn nữa nhằm ngăn chặn triệt để vấn nạn “chảy máu” rừng.
Trên thực tế, trước vấn nạn phá rừng, tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều chỉ thị, công văn; Đồng thời, tăng cường thêm lực lượng chức năng để quản lý, bảo vệ rừng.
Thế nhưng, trên địa bàn vẫn liên tiếp diễn ra các vụ phá rừng. Vụ sau có quy mô còn lớn hơn vụ trước. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện miền núi Nam Giang, dư âm về vụ phá rừng gỗ pơ mu quý hiếm còn chưa kịp lắng xuống, thì nay lại tiếp tục diễn ra vụ phá rừng lim. Hàng trăm cây gỗ quý đã bị các đối tượng lâm tặc, chặt hạ rồi đưa ra khỏi hiện trường, mà các lực lượng chức năng không hề hay biết.
Điều đáng nói, có những vụ phá rừng diễn ra không quá xa các ban quản lý rừng, lẫn chính quyền các địa phương. Điều này, càng khiến cho dư luận có cơ sở để đặt câu hỏi: Liệu có sự buông lỏng quản lý, hay thậm chí là “chống lưng” cho các đối tượng lâm tặc ngang nhiên tàn phá các cánh rừng?
Trên thực tế, phần nhiều các vụ phá rừng được phát hiện từ nguồn tin của quần chúng, hoặc báo chí. Còn những lực lượng tiên phong khác trong công tác bảo vệ rừng lại đang tỏ ra khá bị động. Trước đó từ các nguồn tin, công an huyện Đông Giang cũng đã phát hiện vụ phá rừng tại rừng phòng hộ Sông Kôn.
Khu vực xảy ra vi phạm thuộc khoảnh 8, 9, 10, 11 Tiểu khu 41 xã Tà Lu; khoảnh 1, 3 Tiểu khu 140 Zà Hung. Tại hiện trường có 33 gốc cây bị chặt hạ. Uớc tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII; một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường; số gỗ còn tại hiện trường 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ chưa cưa xẻ, khối lượng 10,852m3…
Cũng liên quan đến phá rừng phòng hộ còn có vụ việc xảy ra ở huyện Tiên Phước. Khi nhiều đối tượng đã phá hàng chục ha rừng để lấy đất… trồng rừng. Và mới đây nhất như đã nói ở trên là vụ phá rừng lim quý hiếm gây xôn xao dư luận ở xã Chà Val, huyện Nam Giang.
Diễn biến mới nhất, liên quan vụ nhiều cây gỗ lim ở Rừng phòng hộ Nam Sông Bung, ở huyện Nam Giang bị chặt phá, các cơ quan chức năng ở địa phương đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Điều này cho thấy những động thái quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng.
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc phá rừng ở một số địa phương trong tỉnh đang diễn ra rất nghiêm trọng. Trước mắt, các lực lượng công an sẽ vào cuộc xử lý nghiêm. Quan điểm của tỉnh là nếu phát hiện lâm tặc hoặc ai bao che sẽ xử lý nghiêm.
Các vụ phá rừng thuộc xử lý của công an huyện, nhưng nếu cần, công an tỉnh sẽ vào cuộc, xử lý điểm để mang tính răn đe. Về lâu dài, Quảng Nam sẽ có những biện pháp mang tính khoa học hơn, áp dụng công nghệ tiên tiến, nhất là việc triển khai đề án giám sát diễn biến rừng bằng công nghệ cao, tổ chức lại lực lượng kiểm lâm, tổ chức lại ban quản lý rừng. Bên cạnh đó, địa phương cũng kêu gọi người dân tích cực vào cuộc, kịp thời tố giác các hành vi xâm hại, không tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.
Tác giả: Nghi Anh
Nguồn tin: Thời báo Ngân hàng