Giáo dục

Nhiều trường đại học phía Nam giảm học phí, có ngành học giảm một nửa

Thực hiện theo Nghị quyết 165 của Chính phủ, một số trường đại học điều chỉnh học phí theo hướng giảm bằng mức thu năm học trước, đặc biệt có ngành học giảm một nửa.

Vừa qua Trường Đại học Y Dược Tp.HCM thông báo về việc điều chỉnh mức thu học phí năm học 2022 - 2023. Theo đó, mức học phí được điều chỉnh giữ nguyên như mức thu của trường ở năm học 2021 - 2022, tức giảm khoảng 10% ở nhiều ngành học so với thông báo tăng học phí từ đầu năm học. Cụ thể, đối với khóa sinh viên trúng tuyển nhập học từ năm 2019 trở về trước, mức học phí được điều chỉnh còn 14,3 triệu đồng/năm học (10 tháng); mức học phí dành cho sinh viên trúng tuyển và nhập học từ năm 2020 đến năm 2022 dao động từ 37 triệu đồng/năm học đến 70 triệu đồng/năm học.

Trường Đại học Luật Tp.HCM thông báo giữ nguyên mức thu học phí năm học 2022-2023 như mức thu năm học 2021-2022, nhiều ngành học được giảm gần một nửa, ngành giảm nhiều nhất lên đến hơn 24 triệu đồng/sinh viên.

Cụ thể, nhà trường thực hiện điều chỉnh học phí theo Nghị quyết 165 của Chính phủ, ban hành ngày 20/12/2022, đồng thời chia sẻ khó khăn, hỗ trợ sinh viên, học viên và gia đình người học.

Nhà trường sẽ tiến hành tính lại toàn bộ học phí cho học viên, sinh viên theo mức thu học phí mới. Đối với học phí chênh lệch đã thu ở học kỳ I năm học 2022-2023, nhà trường sẽ cấn trừ vào học kỳ II năm học này và các năm tiếp theo.

Với những sinh viên, học viên đã đóng hết học phí vào học kỳ cuối hoặc đợt cuối, nhà trường sẽ hoàn trả lại vào tài khoản cá nhân của các em sau khi xác định chính xác thông tin số tiền.

Tương tự, Đại học Giao thông vận tải Tp.HCM cũng đã ra thông báo không tăng học phí năm học 2022-2023, mức học phí áp dụng cho sinh viên được giữ nguyên như năm học 2021-2022. Đối với sinh viên đã đóng học phí theo mức học phí mới, trường sẽ khấu trừ phần chênh lệch vào đợt học phí ở học kỳ tiếp theo.

Bên cạnh các trường đã ra thông báo, nhiều trường đã thu học phí mức tăng hơn so với năm học 2021-2022 hiện vẫn đang cân nhắc, chưa quyết định cuối cùng về phương án hoàn trả cho học phí chênh lệch cho sinh viên. Trong khi đó, một số trường đại học ngoài công lập dự kiến tăng học phí từ năm 2023, với mức tăng 5-10%.

Cụ thể, sau hai năm không tăng vì Covid-19, Đại học Gia Định dự kiến tăng học phí 8-10% từ năm 2023. Đại học FPT cũng thông báo tăng mức học phí năm 2023 đối với sinh viên ở Hà Nội và Tp.HCM là 28,7 triệu đồng/học kỳ, tăng 1,4 triệu đồng so với năm 2022.

Trước đó, Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM, Trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM, Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM... đã quyết định không tăng học phí trong năm học 2022-2023.

Theo Nghị quyết số 165/NQ-CP của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 . Về nội dung học phí, Nghị quyết nêu rõ:

1. Đối với học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập:

a) Đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương. Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022-2023 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.

b) Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

c) Khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.

2. Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 – 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 – 2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 – 2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

3. Khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 – 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế – xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 01 năm 2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các bộ, ngành và các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý tổ chức triển khai thực hiện.

Tác giả: Trúc Chi

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP