Tin địa phương

Nhếch nhác xe buýt liền kề Đà Nẵng - Quảng Nam

Phương tiện cũ kỹ, nhếch nhác, chạy lấn làn trong các tuyến đường nội thị… là hình ảnh thường thấy của “buýt chợ” tuyến liền kề Đà Nẵng - Quảng Nam, gây lo ngại mất ATGT và an toàn của hành khách.

Các tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng khá nhếch nhác, cũ kỹ

Cũ kỹ, xuống cấp

Từ phản ánh của hành khách và người dân trên các trang mạng xã hội, Facebook Quản lý đô thị: Tiện nghi - xanh - sạch đẹp…, PV Báo Giao thông trực tiếp thực tế trên các tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng - Quảng Nam. Trưa 18/7, chiếc xe buýt số 6 tuyến Đà Nẵng - Phú Đa cũ kỹ rồ ga, nhả dòng khói đen kịt rời khỏi bến xe trung tâm Đà Nẵng về Quảng Nam theo lịch trình.

Bước lên xe, chiếc ghế được xem là “lành lặn” nhất phía sau nhưng vương mùi ẩm mốc. Bên ngoài, bùn đất bám đầy xe, một vài vị trí trên thân xe bong tróc màu sơn. Sàn xe được lát bằng những tấm ván ép cũ kỹ, hở toác. Ghế nệm bong tróc, lột da, thanh sắt gỉ sét. Cửa kính xe hỏng, gặp cơn mưa chiều, nước tạt vào cả trong xe. Một nam hành khách vội kéo cửa kính nhưng bất thành, đành kéo tạm chiếc rèm cửa hoa văn cũ kỹ che tạm. Vừa ra đường Nguyễn Tất Thành, chiếc xe rồ máy, tiếng động cơ gầm rú như máy xát lúa. Chiếc xe tăng tốc, lắc lư như đưa võng. Hành khách phải bám chặt tay vào các thanh sắt trên xe cho khỏi ngã.

Tương tự, trưa 20/7, xe buýt BKS 43X-316… bạc màu tuyến Đà Nẵng - Hội An dừng đón PV tại điểm dừng trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu). Trên xe lúc này có khoảng 5 hành khách, hành lý, rổ rá ngổn ngang, sàn xe bụi đất bám đầy. Ghế được bọc bằng các lớp áo nhưng rất cũ kỹ. Nhân viên phụ xe là một thanh niên trẻ, quần áo xộc xệch, không bảng tên. Khi hành khách lên xe, nhân viên này chỉ hỏi hành trình và báo giá, thu tiền, không xuất vé như quy định trong bảng nội quy cho nhân viên trên xe và hành khách gắn ngay sau lưng tài xế.

Nhật Linh (quê Quảng Nam), sinh viên đại học Đà Nẵng thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại cho biết, những xe buýt Đà Nẵng - Quảng Nam xuống cấp nghiêm trọng đi rất dễ say xe, “cực chẳng đã” mới phải bắt xe buýt về quê.

Không chỉ sự nhếch nhác, cũ kỹ, các xe buýt liền kề Đà Nẵng cũng từng khiến dư luận phẫn nộ khi bị tố chặt chém du khách nước ngoài, từ chối chở người khuyết tật. Đơn cử, ngày 8/2/2018, xe buýt BKS 92B-008.69 tuyến Đà Nẵng - Hội An dừng tại nhà chờ để nhân viên xe buýt tuyến Đà Nẵng - Hội An “chặt chém” du khách nước ngoài. Một du khách nước ngoài đã đưa tờ 500 nghìn đồng cho phụ xe để mua vé giá 20 nghìn đồng. Tuy nhiên, phụ xe không thối lại tiền cho vị khách này.

"Để phục vụ triển khai hệ thống BRT, TP Đà Nẵng cũng đã cho xây dựng cầu vượt bộ hành Nguyễn Tri Phương với 3 lối đi xuống. Trong đó, lối đi xuống ở giữa sẽ nối thẳng vào nhà chờ xe buýt. Hầm chui tại nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng gần 1 năm nay cũng là một hợp phần của hệ thống buýt nhanh (BRT) Đà Nẵng".

Ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng

Cách nào "thay máu buýt chợ"?

Theo thống kê của Sở GTVT Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố đang có 14 tuyến xe buýt (195 xe) đang hoạt động, trong đó có các tuyến xe buýt liền kề (Đà Nẵng - Quảng Nam). Tuy nhiên, hoạt động của các tuyến buýt này vẫn còn nhiều hạn chế, như: Chất lượng xe xuống cấp; có trường hợp xe dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; chạy ẩu, chạy rề rà trong thành phố; tác phong phục vụ của nhân viên chưa chấp hành theo quy định; có tình trạng thu tiền vé cao hơn quy định, tạo hình ảnh không tốt về xe buýt trong mắt người dân và du khách.

Theo ông Bùi Thanh Thuận, Phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, xe buýt của các tuyến buýt liền kề thường có thời gian sản xuất từ 2008 - 2011 (đã qua sử dụng khoảng 8 - 10 năm). Xe buýt khá cũ kỹ, không phù hợp hoạt động trong khu vực nội thành Đà Nẵng. Tuy nhiên, niên hạn sử dụng của xe buýt theo quy định là 20 năm. “Sở GTVT thường xuyên chấn chỉnh tình trạng hoạt động của các xe buýt tuyến liền kề. Trong đó, có chấn chỉnh về chất lượng kỹ thuật, thẩm mỹ của xe buýt và vận động các đơn vị vận tải đổi mới phương tiện để đáp ứng nhu cầu, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách. Hiện, Sở GTVT Đà Nẵng và Sở GTVT Quảng Nam đang tham mưu UBND hai địa phương tổ chức lại các tuyến này cho phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống xe buýt của thành phố”, ông Thuận nói.

Ông Thuận cũng cho biết thêm, theo quy hoạch vận tải hành khách bằng xe buýt TP Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2020 định hướng 2030 đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, giai đoạn 2015 - 2020 đầu tư 20 tuyến buýt. Trong đó 2 tuyến xe buýt nhanh BRT; 3 tuyến buýt tiêu chuẩn dịch vụ BRT; 15 tuyến buýt thường.

Giai đoạn đến năm 2025 mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt TP Đà Nẵng bao gồm 26 tuyến xe buýt, trong đó có 4 tuyến BRT, 3 tuyến buýt tiêu chuẩn dịch vụ BRT, 19 tuyến buýt thường. Định hướng đến năm 2030 mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt tại TP Đà Nẵng sẽ bao gồm 4 tuyến xe buýt nhanh BRT, 3 tuyến buýt chạy tiêu chuẩn dịch vụ BRT, 21 tuyến buýt thường.

Tác giả: Vĩnh Nhân

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP