Ùn tắc giao thông trên đường Trần Phú (Đà Nẵng) giờ cao điểm |
Ám ảnh ùn tắc giờ cao điểm
Phương tiện ùn ùn lưu thông trên đường Trần Phú (quận Hải Châu) là hình ảnh quen thuộc vào giờ cao điểm. Một hồi đèn đỏ, dòng phương tiện với hàng trăm ô tô, xe máy chen chúc nhau nối dài. Nhiều xe phải mất 2-3 chu kỳ đèn mới qua được nút giao này.
Đánh lái chiếc ô tô 7 chỗ qua khỏi nút giao thông phía Tây cầu Rồng, anh Lê Văn Lĩnh (trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) thở phào cho biết, hơn một năm trở lại đây, tuyến đường Trần Phú đoạn giao với đường Hùng Vương đến nút giao thông Tây cầu Rồng thường xuyên xảy ra ùn tắc giờ cao điểm. Trong khi đó, tuyến đường này nhỏ, ô tô đậu đỗ bên đường khá nhiều. “Mỗi lần qua tuyến đường này như cực hình, đi từ đầu đến cuối tuyến đường vào giờ cao điểm phải mất 20 phút do thường xuyên ùn ứ ở các ngã tư, nhất là khu vực chợ Hàn”, anh Lĩnh nói.
Ghi nhận thực tế của PV, trên các tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng như: Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Yên Bái... thường xuyên xảy ra ùn tắc giờ cao điểm do lượng phương tiện quá lớn. Nhất là các nút giao thông phía Tây cầu Rồng, phía Tây cầu Trần Thị Lý.
Theo KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, giao thông Đà Nẵng chủ yếu là đường bộ. Thành phố có 918km đường với 2.700 nút giao thông, chủ yếu là nút giao thông cùng mức, tốc độ di chuyển giờ cao điểm dưới 17km/h. Xe buýt có 14 tuyến, chỉ đáp ứng 2% nhu cầu đi lại; bãi đỗ xe chỉ đáp ứng 2,6% yêu cầu. “Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng ô tô trung bình trên 11%, xe máy trên 7%. Với mức độ tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2020, thành phố có khoảng 120 nghìn ô tô; 1,2 triệu phương tiện cá nhân. Cũng đến thời gian này, thành phố thiếu 450ha đất giao thông”, KTS Tô Văn Hùng cho biết.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung nhận định, Đà Nẵng có 1 triệu dân thì cũng có đến cả triệu xe máy. Có xây dựng hạ tầng bao nhiêu mà phương tiện tăng quá nhanh cũng không cách gì đáp ứng kịp.
Thiếu đất dành cho hạ tầng
Trên thực tế, thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt biện pháp hạn chế việc kẹt xe như: Cấm xe trên 30 chỗ vào trung tâm thành phố giờ cao điểm; cấm xe đậu đỗ theo ngày chẵn - lẻ; đầu tư nhiều bãi đỗ xe; các công trình giao thông khác mức... Tuy nhiên, việc kẹt xe, thiếu bãi đỗ xe ở Đà Nẵng không còn là chuyện tương lai mà đã và đang hiện hữu. Ùn tắc giao thông cục bộ trước đây chỉ xuất hiện một vài điểm, vài nút giao thông thì nay có xu hướng lan trên diện rộng, ra hầu hết các tuyến đường chính tại khu vực trung tâm thành phố.
Theo KTS Tô Văn Hùng, quy hoạch chung phê duyệt năm 2013 của Đà Nẵng chưa đạt được tầm nhìn cần thiết nên việc phát triển đô thị phần nào thiếu định hướng rõ ràng. “Bất cập hiện nay là không ưu tiên đất dành cho hạ tầng, sử dụng mô hình đô thị phân tán, dàn trải, mật độ xây dựng cao, tầng cao trung bình thấp nên không thể sử dụng đất đai hiệu quả. Cùng với đó, sơ đồ giao thông theo hình bàn cờ, mặt cắt đường nhỏ, hầu hết là phố không có đường. Đất đai kiểu hỗn hợp, kiểu muốn làm gì cũng được, lộn xộn”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, để giải quyết tốt vấn đề giao thông đô thị, cần đưa hệ thống giao thông công cộng trở thành lựa chọn của người dân, cần phải hoàn thiện hệ thống xe buýt như: Tăng chuyến, bổ sung nhà chờ, trạm vé. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo nguyên tắc: “Không cấm sở hữu phương tiện nhưng hạn chế sử dụng”. Cùng đó, cần chấm dứt tình trạng đậu đỗ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè nhưng phải đảm bảo điều kiện có bãi đỗ xe tập trung hợp lý; giới hạn số lượng ô tô đăng ký lưu hành, chính sách cấp quota mua xe ô tô; lựa chọn hệ thống đô thị hiện đại như đô thị nén, đô thị sinh thái...
“Mời Singapore làm tư vấn điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045 là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, sẽ đáng trân trọng hơn nếu chúng ta học tập cách quản lý quy hoạch, sự kiên định tầm nhìn quy hoạch của chính quyền Singapore. Làm được điều đó, những mục tiêu nói trên không quá xa vời khi chúng ta đang hội đủ tiềm năng, quyết tâm chính trị và sự đồng thuận rất cao của người dân”, KTS Tô Văn Hùng nhận định.
Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2018 đã có thêm 5.864 ô tô đăng ký mới (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017). Hiện, toàn thành phố quản lý hơn 872.000 xe máy. Đó là chưa kể phương tiện của học sinh, sinh viên, người lao động ở các tỉnh đổ về.Ngoài ra, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng đông, xe khách loại trên 30 chỗ ngồi tăng vọt. Trong khi đó, hạ tầng giao thông của thành phố chưa đáp ứng kịp sự tăng trưởng “nóng” của phương tiện là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng ùn tắc tại một số tuyến đường, một số nút giao thông trong thời gian qua. |
Tác giả: Vĩnh Nhân
Nguồn tin: Báo Giao thông