Tối giản thủ tục hành chính cũng góp phần giảm chi ngân sách. Ảnh: H.N |
“Kịch bản” điều hành ngân sách phải thay đổi do dịch bệnh
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thông thường như hằng năm, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm, Bộ Tài chính đều xây dựng các kịch bản để điều hành. Năm nay, trước diễn biến của dịch COVID-19 diễn ra nhanh, phức tạp trên diện rộng, vì vậy từng thời điểm, Bộ Tài chính đã xây dựng “kịch bản” điều hành ngân sách phù hợp.
Đến nay, dịch bệnh tuy đã cơ bản được khống chế tại Việt Nam nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến một nền kinh tế mở như nước ta, bài toán cân đối ngân sách lại một lần nữa phải tính toán lại. Trong đó, Bộ Tài chính dự kiến nguồn thu ngân sách Nhà nước năm nay sẽ sụt giảm mạnh, khoảng 189 nghìn tỉ đồng so với dự toán, tương đương 12,5%.
Tuy nhiên, chi tiêu cho chống dịch và an sinh xã hội lại tăng (đến hết tháng 10.2020, ngân sách Nhà nước đã chi 5,1 nghìn tỉ đồng thực hiện chính sách, chế độ cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời đã chi 12,69 nghìn tỉ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây cũng là một nguyên tắc được quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước mà chúng ta phải áp dụng triệt để, đó là: “Khi thu không đạt dự toán, thì phải điều chỉnh giảm một số khoản chi”.
Dư địa cắt giảm chi thường xuyên
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong những năm qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước và tài sản Nhà nước đã giúp tỉ trọng chi thường xuyên giảm dần trong tổng chi ngân sách.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù chi thường xuyên giảm mạnh qua các năm nhưng nhiều vấn đề tồn tại trong chi thường xuyên vẫn chưa được khắc phục triệt để. Có thể kể đến: Tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật vẫn tồn tại; nhiều lễ hội, hội nghị, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách… Đặc biệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế...
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, năm nay, công tác tinh giản biên chế đã đạt kết quả tốt với số công chức giảm gần 8%, viên chức giảm 7,56%. Đây là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm giảm các khoản chi thường xuyên.
“Nhưng rõ ràng là cần phải giảm nữa và quyết liệt hơn thì gánh nặng nợ công mới bớt căng thẳng” - PGS.TS Thịnh nói và cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động cắt giảm hoặc thuyên chuyển công tác đối với bộ phận công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” để giảm bớt gánh nặng lương cho ngân sách.
Ở khía cạnh cơ quan quản lý, Bộ Tài chính thừa nhận, những năm qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức…
Do đó, theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung chế độ định mức chi tiêu ngân sách; quản lý chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo chỉ được chi khi có dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước;…
Đặc biệt, đối với năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm mạnh chi thường xuyên. Trong đó, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (trừ một số đối tượng cụ thể) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên chưa cấp thiết còn lại năm 2020.
Tác giả: CAO NGUYÊN
Nguồn tin: Báo Lao động