Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2020 gửi tới Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 nêu rõ, quá trình kiểm toán ngân sách bộ, ngành và ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát hiện công tác xây dựng dự toán cho một số đơn vị chưa sát với thực tế, không bám sát nhiệm vụ chi, dẫn đến cuối năm phải hủy dự toán hoặc không phân bổ, giữ lại ngân sách cấp trên làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
Cụ thể, TP Đà Nẵng, các tỉnh Hải Dương, Bến Tre, Lạng Sơn, Ninh Bình, Gia Lai phân bổ kế hoạch vốn cho một số dự án chưa đầy đủ thủ tục đầu tư.
TP Đà Nẵng, các tỉnh Bắc Ninh, Bến Tre, Lạng Sơn phân bổ ngân sách nhà nước không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Hàng loạt tỉnh, thành phố bị nêu tên vì sử dụng ngân sách sai quy định. |
Hàng loạt tỉnh, thành phân bổ vượt tổng mức đầu tư hoặc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn không đúng. Cụ thể, phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước vượt tổng mức đầu tư được duyệt: Cao Bằng 17 dự án; vượt tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn: TP Đà Nẵng 195 danh mục dự án; tỉnh Bến Tre 4 dự án.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, tình trạng phân bổ kế hoạch vốn chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên, bố trí vốn chưa phù hợp với thực tế dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung còn xảy ra tại hầu hết các địa phương được kiểm toán.
Đến 31/12/2019, tại một số địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản với giá trị lớn: Ninh Bình 6.338 tỷ đồng; Bắc Ninh 1.805 tỷ đồng; Lạng Sơn 1.702 tỷ đồng; Phú Thọ 1.075 tỷ đồng...
Một số địa phương vẫn còn tình trạng để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới 1.922,3 tỷ đồng như: Bắc Ninh 670,9 tỷ đồng; Hà Tĩnh 300,3 tỷ đồng; Hải Dương 500,1 tỷ đồng; Phú Thọ 260,6 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa báo cáo đầy đủ nợ đọng thuế, số nợ thuế qua kiểm toán phát hiện tăng thêm 1.923 tỷ đồng như TP Đà Nẵng 1.378 tỷ đồng; Bắc Ninh 373 tỷ đồng; Lạng Sơn 93 tỷ đồng; Hà Tĩnh 38 tỷ đồng; Lâm Đồng 35 tỷ đồng…
2 địa phương ứng trước dự toán ngân sách trung ương nhưng chưa bố trí để thu hồi 1.785,7 tỷ đồng gồm Lâm Đồng 1.535 tỷ đồng; Lai Châu 250,7 tỷ đồng.
9 địa phương sử dụng sai nguồn 366 tỷ đồng như Long An 209 tỷ đồng; Lâm Đồng 99,2 tỷ đồng; Trà Vinh 20,4 tỷ đồng; Ninh Bình 17,3 tỷ đồng; Bến Tre 9,1 tỷ đồng; Hà Tĩnh 6,7 tỷ đồng; Lạng Sơn 2 tỷ đồng; Bắc Ninh 0,8 tỷ đồng; TP Đà Nẵng 1,4 tỷ đồng.
Một số đơn vị tại 7 địa phương chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương theo quy định 2.145,7 tỷ đồng trong đó riêng Bà Rịa Vũng Tàu 1.840,7 tỷ đồng.
6 địa phương sử dụng ngân sách nhà nước sai quy định 179,2 tỷ đồng bao gồm Hải Dương 140,7 tỷ đồng; Ninh Bình 28 tỷ đồng; Quảng Bình 5,3 tỷ đồng; Bến Tre 3,6 tỷ đồng; Bắc Ninh 0,88 tỷ đồng; TP Đà Nẵng 0,4 tỷ đồng.
Kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia tại 10 địa phương còn tồn chưa hoàn trả ngân sách trung ương 722,9 tỷ đồng gồm TP Đà Nẵng 183,8 tỷ đồng; Gia Lai 128,9 tỷ đồng; Long An 105,4 tỷ đồng; Ninh Bình 69,8 tỷ đồng; Trà Vinh 63,3 tỷ đồng; Hà Tĩnh 52,9 tỷ đồng; Lâm Đồng 20,9 tỷ đồng ...
Tác giả: Nam Yên
Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn