Hai đứa bé dành nhau ôm chú gấu bông cũ kỹ vì tưởng đó là bố
Chúng tôi tìm đến chợ Phú Đa (xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) thật sớm để tránh cơn giông đầu mùa. Nghe tôi hỏi thăm mẹ con chị Nguyễn Thị Đồng Tâm (41 tuổi), nhiều tiểu thương ở chợ xúm lại, thay nhau bộc bạch.
"Chú tìm mẹ con cô Tâm làm chi đó, có bà con chi với 2 người cha của 2 đứa trẻ không vậy. Chắc hôm nay trời mưa, sợ mấy đứa nhỏ bệnh nên hắn đưa con ra đây trễ hơn mọi khi. Tội nghiệp, số hắn khổ, khổ lắm…", một người phụ nữ bán thịt heo nói.
Khoảng 1 giờ đồng hồ sau, từ xa, thấp thoáng bóng dáng một người phụ nữ gầy nhom, mặc chiếc áo sờn màu, chở theo 2 đứa trẻ và một con gấu cũ đến. Vừa tới cổng chợ, 2 đứa trẻ đã dành nhau ôm con gấu bông rách bươm.
Hình ảnh người phụ nữ quét rác dắt 2 đứa con ngờ nghệch luôn ôm chặt con gấu bông rách bươm đã quá quen thuộc với người dân xóm chợ Phú Đa. |
Thấy tôi tỏ vẻ thắc mắc, chị Tâm liền phân bua: "Các con tôi đều không có cha từ lúc sinh ra, con gấu bông là kỷ vật duy nhất mà người bố của bé đầu để lại cho nó trong một lần ghé về thăm cách đây chừng 10 năm rồi từ đó đi biệt tích.
Lúc nhỏ tụi nó thường hỏi tôi bố đâu, không biết phải trả lời các con sao nên tôi đành nói dối bố chính là con gấu bông đó. Từ đó, chúng nó cứ tưởng con gấu bông đó là bố thật nên cứ thay nhau dành ôm ấp suốt ngày…".
|
|
|
Với 2 cô bé bị thiểu năng này, chú gấu bông cũ kỹ kia chính là bố của mình...! |
Sinh ra đã mang trong mình căn bệnh chất độc da cam. Hai lần mang lòng yêu thương 2 người đàn ông và sinh được 2 người con gái. Nhưng trớ trêu thay, cả 2 lần chị đều bị chính những người đầu gối tay ấp phụ bạc và chối bỏ trách nhiệm với 2 đứa con bệnh tật của mình.
Hơn chục năm qua, dù ngày nắng hay mưa, chị Tâm vẫn miệt mài dắt díu 2 cô con gái ra chợ quét rác mưu sinh. Có lẽ, đây là cái nghề duy nhất mà chị đủ sức làm để chắt chiu nuôi 2 đứa con "ngớ ngẩn"…
Bữa trưa của 2 mẹ con chỉ có cơm trắng chan nước mắm... |
Con gái đầu của chị Tâm là Nguyễn Thị Mẫn, 14 tuổi, thân hình em to lớn nhưng trí óc thì vẫn thua đứa trẻ lên ba. Mẫn là kết quả của mối tình giữa chị Tâm và một người đàn ông cùng xã.
Mẫn sinh ra không được bình thường như bao đứa trẻ khác, em ăn rất khỏe, cơ thể phát triển rất nhanh nhưng lại tỉ lệ nghịch với trí óc. Thấy con bệnh tật, người đàn ông vô tâm đã lẳng lặng bỏ đi khi chị Tâm vẫn còn đang trong tháng kiêng cữ.
Bốn năm sau, ông âm thầm về thăm con một lần và mua tặng cho Mẫn con gấu bông bỏ ở đầu giường rồi từ đó biệt tích.
|
|
|
Nuốt ngược nước mắt, chị Tâm gồng gánh nuôi con thơ dại. Rồi một ngày định mệnh năm 2008, chị mang lòng yêu thương một anh xe ôm ở chợ bởi sự chân tình và quan tâm của anh dành cho mẹ con mình.
Cứ ngỡ, từ đây hạnh phúc sẽ mỉm cười với người đàn bà bất hạnh, thế nhưng, ngày chị sinh hạ đứa con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Nhã Phương (7 tuổi) cũng là lúc người đàn ông ấy bỏ xứ mà đi khi nghe bác sỹ thông báo đứa bé cũng mắc căn bệnh giống mẹ.
"Chỉ sợ một ngày tôi chết đi, ai lo cho bọn trẻ..."
Hạnh phúc 2 lần lỡ làng, sức khỏe chị ngày càng yếu đi, cơ thể còm nhom, tóc rụng đã gần hết. Thế nhưng, vì các con, suốt hơn 10 năm qua, chị vẫn cố gắng chịu đựng những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần để sống và nuôi các con.
Từ nhỏ đến lớn, mọi sinh hoạt cá nhân của 2 cô con gái đều một tay chị Tâm cáng đáng. |
Mang trong người căn bệnh chất độc da cam di truyền từ mẹ, dù trí óc chậm phát triển nhưng khuôn mặt của Mẫn và Phương lại rất trắng trẻo, khôi ngô... |
Cứ thế, ngày qua ngày, hai đứa trẻ khác cha nhưng chung một số phận lại được mẹ dắt díu ra chợ để quét rác mưu sinh. Chị Tâm cầm chổi đi trước quét rác, 2 đứa trẻ ôm theo con gấu bông lúi húi theo sau…
Bé lớn ôm con gấu bông một lúc rồi lại nhường lại cho bé nhỏ nâng niu tiếp, còn nước mắt của mẹ các em thì có lẽ không còn để chảy nữa.
Đi đâu, dù làm bất cứ gì thì chú gấu bông vẫn luôn hiện diện cùng gia đình này... |
Thương hoàn cảnh của chị Tâm, các tiểu thương ở chợ thường cho quà 2 cháu bé... |
Làm việc từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, mỗi ngày chị Tâm được trả công 30 nghìn đồng, tằn tiện cũng đủ cơm cháo qua ngày cho ba mẹ con. Thế nhưng mỗi khi trái gió trở trời, những cơn đau lại hành hạ cả 3 mẹ con.
Thương các con chị, hàng xóm láng giềng và tiểu thương ở chợ lại thay nhau góp ít tiền để giúp chị mua thuốc giảm đau cho tụi nhỏ…
Nụ cười hồn nhiên của cô bé 7 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. |
Hai đứa con chị ngày càng lớn nhưng đầu óc vẫn không nhận thức được gì, từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều phải nhờ mẹ. Chẳng có bạn để chơi cùng, lại càng không có tiền để được mẹ sắm đồ chơi như những đứa trẻ khác.
Vật bầu bạn duy nhất của 2 chị em Mẫn và Phương chỉ có chú gấu bông cũ nát. Kể từ lời nói dối của mẹ, suốt gần 10 năm qua, 2 bé gái đáng thương cứ tưởng con gấu bông ấy là bố của mình…
"Hạnh phúc của tôi chính là được nhìn các con sống khỏe và sống vui mỗi ngày, thế là quá đủ rồi...", chị Tâm chia sẻ. |
"Tội nghiệp, tôi chẳng có tiền để mua cho chúng nó đồ chơi gì. Suốt gần chục năm nay, 2 đứa nó cứ tưởng con gấu bông là bố nên đi đâu cũng ôm theo cả. Nhiều lúc thấy 2 ôm con gấu rách rồi gọi "bố, bố" khiến tôi đau như đứt từng đoạn ruột.
Nhiều người khuyên tôi nên gửi các con vào trung tâm bảo trợ xã hội cho khỏe thân nhưng tôi nhất quyết không chịu. Sinh ra chúng nó đã không có bố rồi, giờ tôi không thể bỏ rơi chúng được. Nhưng tôi chỉ sợ một ngày tôi chết đi thì không biết ai sẽ lo cho chúng nó đây", chị Tâm nghẹn ngào.
Tác giả: Hà Nam
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ