Tin địa phương

Người dân Đà Nẵng cầu cứu các thủy điện vì nước nhiễm mặn bất thường

Lãnh đạo thành phố Đã Nẵng đã phải can thiệp để các nhà máy thủy điện xả nước về hạ du, nhằm đảm bảo ổn định nguồn nước sinh hoạt.

Thời tiết nắng nóng và lượng nước từ thượng nguồn về ít, từ ngày 31/8 đến nay, nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn khiến nguồn nước sinh hoạt ở thành phố Đà Nẵng liên tục bị thiếu hụt.

Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị lãnh đạo thành phố can thiệp điều tiết hoạt động của các nhà máy thủy điện xả nước cho vùng hạ du.


Hơn một tuần nay, người dân khu vực nội thành thành phố Đà Nẵng bức xúc trước tình trạng nước sinh hoạt liên tục bị gián đoạn. Nhiều nơi, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn do đột ngột bị thiếu nước.

Tại một số khu dân cư, khu nhà trọ công nhân, sinh viên, nhiều người phải thức đêm trữ nước sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Duyên, thuê trọ tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu cho biết: “Nước bị chập chờn nên không đủ nước để chúng em sinh hoạt hàng ngày như tắm, giặt, nấu ăn. Chúng em phải trữ nước trong các bình nhưng lượng nước vẫn không đủ để sử dụng”.

Ông Hồ Thăng Thông, Phó Giám đốc Xí nghiệp sản xuất nước sạch Đà Nẵng cho biết, từ ngày 31/8 đến nay, nguồn nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Độ mặn thường xuyên dao động ở mức 260 - 2.000 mg/l. Độ mặn đo được cao nhất là 2.019 mg/l vào lúc 9 giờ ngày 5/9, gấp 8 lần tiêu chuẩn nước sinh hoạt.

Tình trạng nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn rất nặng khiến lưu lượng và áp lực cấp nước sinh hoạt trong mạng lưới thấp hơn so với bình thường. Nhiều khu vực dân cư trong thành phố xảy ra tình trạng tụt áp, cột nước giảm mạnh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

“Trước đây, năm 2017, tình trạng nhiễm mặn chỉ kéo dài 1, 2 ngày. Trong một tháng bị nhiễm mặn 2,3 ngày nhưng rải rác, không bị kéo dài liên tục. Năm nay, tình trạng nhiễm mặn kéo dài 4, 5 ngày liền khiến nguồn nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ ảnh hưởng nhiều. so với năm ngoái thì năm nay bất thường. Năm 2017, thời điểm này không bị nhiễm mặn nhưng năm nay thì bị nhiễm mặn kéo dài 4 đến 5 ngày nay”, ông Hồ Thăng Thông cho biết.

Để bảo đảm nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân bay, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng-Dawaco kết hợp việc lấy nước tại cửa thu Cầu Đỏ và bơm nước thô từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch về để phối trộn, tăng thêm nguồn nước thô để sản xuất nước sạch. Tuy nhiên, công suất của trạm bơm phòng mặn An Trạch chỉ đáp ứng được khoảng 70% công suất cấp nước hiện nay, dẫn đến tình trạng không đủ lượng nước thô để cấp nước sạch. Do đó, lượng nước sạch cấp vào mạng lưới giảm 50.000 đến 70.000m3/ngày, khiến lượng nước ở khu vực cuối nguồn tại các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu rất yếu.

Theo kết quả quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn Ái Nghĩa vào ngày 5/9, mực nước chỉ ở mức 2,52m, thấp hơn mực nước trung bình 3,51m so với cùng kỳ nhiều năm. Điều này cảnh báo khả năng nhiễm mặn sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét, có giải pháp can thiệp với các cơ quan liên quan điều tiết hoạt động của các nhà máy thủy điện để Công ty có thể lấy nước trực tiếp tại vị trí Nhà máy nước Cầu Đỏ, bảo đảm ổn định nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

“Để khắc phục tình trạng này một cách căn cơ nhất, Công ty có kiến nghị nghiên cứu điều chỉnh vận hành liên hồ. Các hồ thủy điện xen kẽ nhau để xả nước, đảm bảo mực nước ở hạ du, ở trạm bơm An Trạch từ 2 mét trở lên. Khi xảy ra nhiễm mặn thì trạm bơm An Trạch mới phát huy hiệu quả. Giải pháp thứ hai là nghiên cứu làm đập ngăn mặn. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng đập ngăn mặn có nhiều luồng ý kiến. Cần phải có đánh giá mặt được, mặt chưa được để chọn giải pháp có lợi nhất, giải quyết căn cơ”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết./.

Tác giả: Vinh Thông

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP