Như tin đã đưa, ngày 31/8, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo khoa học “Đà Nẵng chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860): Quá khứ và hiện tại” nhân kỷ niệm 160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp (1858 – 2018). Hội thảo đã thu hút rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước tham dự.
Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải đang được trùng tu (Ảnh: HC) |
Tại hội thảo, Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải được đề cập như là biểu tượng của cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, cũng như một số nhà nghiên cứu từ trước đến nay từng gọi sự kiện lịch sử này là “Cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải”. Vì thế, khi tiếp cận cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 chủ yếu từ góc độ hiện tại, Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu đến từ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam với tham luận “Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải vì sự phát triển bền vững”; TS.KTS. Hoàng Đạo Cương đến từ Viện Bảo tồn Di tích với tham luận “Giải pháp bảo tồn tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải”; ThS. Võ Nguyên Phong đến từ tỉnh Quảng Ngãi với tham luận “Thành Điện Hải”…
Với tư cách người đứng đầu Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhiệm kì 2015 - 2019, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu đưa ra nhiều kiến giải quan trọng nhằm giúp Đà Nẵng triển khai có hiệu quả công cuộc trùng tu Thành Điện Hải hiện nay, trong đó có không ít kiến giải thú vị và đầy thuyết phục như: Không nhất thiết phải phục hồi lại toàn bộ tường thành, những phần tường thành chưa đủ cơ sở tư liệu khoa học thì gia cường phần móng nguyên gốc, không phục hồi hoàn chỉnh.
“Đây cũng là cách gây được sự chú ý, hấp dẫn đối với du khách mà di tích Tháp nghiêng Pisa và Đấu trường La Mã ở Ý là một ví dụ, bởi chính cái “nghiêng” của Tháp Pisa và cái phần không hoàn chỉnh của Đấu trường La Mã lại tạo nên sức hút đối với khách du lịch” – GS.TSKH Lưu Trần Tiêu nhấn mạnh.
Là chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di tích, TS.KTS Hoàng Đạo Cương cũng nhắc nhở Đà Nẵng: “Khi chưa có đủ tư liệu phục hồi thì nên làm các khu vườn hoa tạo cảnh, không nên xây dựng những công trình mới, sai lạc dấu tích gốc (vọng lâu, kho đạn, trại lính, nhà quản cư...)”.
Ths. Võ Nguyên Phong thì tập trung khảo sát bản vẽ lưu trữ của Viện Viễn Đông bác cổ (EFEO) có tựa đề “Croquis annexé au Rapport du chef du Génie en date du 4 janvier 1888” (tạm dịch “Phác hoạ được đính kèm với Báo cáo của Kĩ sư trưởng vào ngày 4/1/1888”) và bản vẽ cũng của EFEO có tựa đề “Ancient fort Annamite - Actuellement hopital militaire de Tourane” (tạm dịch “Đồn cổ Annam - Nay là bệnh viện quân y Đà Nẵng”), vẽ cùng thời gian với bản vẽ trên.
Qua đó cung cấp thông tin về sự biến dạng của Thành Điện Hải sau khi Pháp chiếm đóng Đà Nẵng, khẳng định người Pháp đã “biến đổi công năng tòa thành Điện Hải trở thành bệnh viện quân đội, phục vụ cho công tác y tế”, hay đã “triệt hạ cổng Tây thành và đắp hai bờ lũy nhằm ngăn cản sự tấn công của nghĩa quân Quảng Nam trong giai đoạn sau đó”...
Cũng có rất nhiều tham luận tiếp cận Thành Điện Hải ở cả hai góc độ quá khứ và hiện tại. Điều đáng nói là đọc các tham luận “tiếp cận Thành Điện Hải ở góc độ hiện tại”, rất dễ nhận ra tác động tích cực của việc nâng hạng từ Di tích quốc gia lên Di tích quốc gia đặc biệt đối với tòa thành cổ này. Tư cách Di tích quốc gia đặc biệt đòi hỏi Thành Điện Hải phải được trùng tu theo đúng Điều 34 Luật Di sản văn hóa quy định “việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích”.
Yếu tố gốc cấu thành di tích trong giai đoạn trước Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 có lẽ không có gì phải bàn nhiều; nhưng Thành Điện Hải giai đoạn bị người Pháp chiếm đóng và thay đổi công năng từ một tòa thành quân sự sang một cơ sở y tế với những công trình kiến trúc mới đã tồn tại cả trăm năm - mãi đến gần cuối thập niên 90 của thế kỷ trước mới bị triệt phá hoàn toàn, thì nên được xử lý ra sao cho phù hợp?
“Trong tham luận tại Hội thảo bàn “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải” hồi cuối năm 2017, tôi từng đặt vấn đề “có nên phục dựng bệnh viện được người Pháp xây dựng vào đầu năm 1888 và nhà nguyện được người Pháp xây vào năm 1900 hay không?”, và theo tôi “sau khi xác định rõ vị trí hai hạng mục này, chỉ cần dựng ở đấy một tấm bia ghi dấu đối với mỗi hạng mục là đủ”!” – Ths. Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng nói.
Trong khi đó, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu tỏ ra “mạnh tay” hơn, cho rằng đến ghi dấu cũng không nên. Ông nhấn mạnh: “Có nên phục dựng hay ghi dấu bằng bia biển Bệnh viện được người Pháp xây dựng năm 1888 và Nhà nguyện xây dựng năm 1900 hay không? Cá nhân tôi cho rằng chỉ nên ghi dấu sự kiện diễn ra trong cuộc chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha năm 1858 - 1860”.
Theo Ths. Bùi Văn Tiếng, những thông tin được nêu tại cuộc hội thảo ngày 31/8 rất cần thiết cho công cuộc trùng tu Thành Điện Hải hiện nay. Đây không chỉ là một di sản vật thể mà còn là một di sản phi vật thể, vì thế không chỉ đòi hỏi phải được trùng tu tôn tạo phục hồi theo hướng giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di tích càng nhiều càng tốt, mà còn và quan trọng hơn là đòi hỏi phải trở thành một biểu tượng ngời sáng về lòng yêu nước và đức hi sinh trong tim các thế hệ người Đà Nẵng nói riêng, người Việt Nam nói chung.
Chính vì thế, không thể không suy ngẫm đến cảnh báo của TS. Nguyễn Duy Phương và ThS. Đặng Thị Thùy Dương đến từ Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) trong tham luận “Giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong trường học qua cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860)”. Theo họ, nhà trường phổ thông đã có sự quan tâm trong việc giáo dục truyền thống chống ngoại xâm cho học sinh qua những sự kiện liên quan đến cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha.
“Mặc dù vậy, sự kiện này cũng chỉ được giáo viên giảng dạy với những nội dung vắn tắt như sách giáo khoa mà ít có điều kiện khai thác những sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương, những câu chuyện, những nhân vật lịch sử liên quan đến cuộc chiến đấu của nhân dân ta tại chiến sự Đà Nẵng (…)
Thậm chí cũng có một số trường phổ thông không giảng dạy các tiết học về lịch sử địa phương, một số khác tuy có thực hiện nhưng còn khiên cưỡng, áp đặt, không tạo ra được những xúc cảm, rung động để giúp các em “nhập thân vào lịch sử” và rút ra được những bài học lịch sử quý báu cho bản thân từ những nội dung của sự kiện này” – Tham luận của TS. Nguyễn Duy Phương và ThS. Đặng Thị Thùy Dương cảnh báo.
Tác giả: HẢI CHÂU
Nguồn tin: Báo Infonet