Hầm đường bộ Hải Vân đưa vào sử dụng 14 năm qua góp phần thông thương hàng hóa, giảm thiểu TNGT. Ảnh: Vĩnh Nhân |
Theo đó, từ 0h00 ngày 27/9, TTP Bắc Hải Vân (địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) chính thức áp dụng mức thu phí theo điều chỉnh.
Cụ thể, mức thu phí thấp nhất là 70.000 đồng/vé/lượt đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng, và cao nhất là 240.000 đồng/vé/lượt (loại xe nhóm 5).
Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, việc điều chỉnh giá vé này theo phương án tài chính, thu gộp các dự án BOT hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia và thanh toán chi phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1; hoàn vốn sửa chữa nâng cấp hầm Hải Vân 1 sau 10 năm đưa vào sử dụng.
Theo phương án ký kết với với Bộ GTVT, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 dự án sửa chữa nâng cấp hầm Hải Vân 1 và sửa chữa, cải tạo mặt đường 25km trên tuyến đường đèo vào tháng 8/2017 thì công ty được đặt trạm thu phí Nam Hải Vân để hoàn vốn.
Tuy nhiên, khoảng cách 2 trạm Nam - Bắc Hải Vân khoảng cách quá gần, không đảm bảo quy định nên bỏ trạm Nam Hải Vân. Từ đó, cơ quan chức năng thống nhất phương án dùng trạm Bắc Hải Vân thu phí gộp cho cả hầm Hải Vân và Phước Tượng - Phú Gia. Việc thu gộp này ưu tiên hoàn vốn 19 năm cho hầm Phước Tượng - Phú Gia nên Công ty CP Đầu tư Đèo Cả chỉ được phân bổ nguồn vốn, không đủ chi trả kinh phí vận hành.
Mức thu phí nhà đầu tư đề xuất thấp hơn mức phí trong hợp đồng với Bộ GTVT |
Theo ông Đông, mặc dù được phép điều chỉnh mức thu phí dịch vụ qua trạm Bắc Hải Vân từ tháng 3/2019 nhưng nhà đầu tư dự án đã quyết định lùi đến ngày 27/9 mới thực hiện. Nhà đầu tư đã tự bỏ ra 300 tỷ để vận hành hầm Hải Vân 1; 900 tỷ nâng cấp, sửa chữa giai đoạn 1 của hầm.
Việc điều chỉnh mức giá mới này đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp. Riêng những phương tiện đăng ký hoạt động trong phạm vi Thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) được miễn giảm theo quy định.
"Việc thay đổi mức thu phí dịch vụ này nhằm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Với mức thu mới, người dân có quyền lựa chọn trả phí để rút ngắn thời gian, đảm bảo an toàn khi lưu thông qua hầm hoặc không mất phí nếu đi đường đèo", ông Đông cho biết.
Được biết, dự án hầm đường bộ Hải Vân đưa vào hoạt động từ năm 2005 đến nay đã đón gần 29 triệu lượt xe, góp phần thông thương hàng hóa, giảm thiểu tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong tháng 10 tới, dự án mở rộng hầm lánh nạn hầm đường bộ Hải Vân thành hầm chính với tổng chiều dài 12,6 km với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng sẽ thông xe. Dự án cũng được dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2020.
Tác giả: Vĩnh Nhân
Nguồn tin: Báo Giao thông