Tin địa phương

Ngập úng lịch sử, Đà Nẵng lộ lỗi quy hoạch đô thị hóa?

Mưa lớn kéo dài khiến hàng loạt tuyến đường nội thị Đà Nẵng chìm trong biển nước, hàng trăm xe ô tô bị nước nhấn chìm, hư hỏng; hầm chui được lắp máy bơm khủng vẫn tái ngập úng…

Các chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng ngập úng nhiều khu vực ngày 9/12 do quy hoạch sai

Tình trạng này đặt ra nhiều câu hỏi mới về trách nhiệm, công tác quy hoạch và ứng phó ngập úng của Đà Nẵng.

Hàng loạt xe sang bị nhấn chìm, “trôi tiền tỷ”

Từ sáng qua (10/12), lực lượng Cảnh sát PCCC Đà Nẵng phải kê bờ bao, sử dụng máy bơm lớn nhằm hút “bể nước” trong hầm xe chung cư cao cấp Hoàng Anh Gia Lai Lakeview (HAGL, đường Hàm Nghi, Thanh Khê, Đà Nẵng). Hàng loạt ô tô không kịp tháo chạy trong đêm 9/12 đã bị nước lũ nhấn chìm, trong đó không ít xe sang hiệu BMW, Range Rover… dần “lộ diện” dưới làn nước xanh đục. Theo Cảnh sát PCCC, đơn vị điều động cứu hộ gồm 3 xe chuyên dụng, 3 máy bơm cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ. Ước tính sơ bộ, dưới hầm có khoảng 6.000m3 nước, phải mất khoảng 17 giờ bơm liên tục để hút toàn bộ nước ra khỏi khu vực hầm.

Anh Lê Anh Hoàng Long (45 tuổi, sống tại chung cư HAGL Lakeview) cho hay, sự việc xảy ra khoảng 4h sáng 9/12, khi cả nhà đang ngủ thì nghe báo nước lũ ùa vào nhà xe. Thang máy không hoạt động, mọi người chạy bộ xuống nhưng không kịp. Lúc này, nước đã ngập đến yên xe máy, anh Long mở cửa xe ô tô hiệu Mazda cũng bị nước lũ ùa vào, chết máy… và đành để xe “ngâm” dưới tầng hầm. “Tôi đang chờ lực lượng chức năng giải phóng hết nước rồi nhờ đơn vị bảo hiểm đến xử lý. Xe mua bảo hiểm nên hi vọng họ sẽ xử lý thỏa đáng”, anh Long nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Ngọ, Trưởng Ban quản trị nhà chung cư HAGL Lakeview, nước lũ ùa vào quá nhanh, chưa đầy 30 phút đã nhấn chìm cả tầng hầm. Ngay khi phát hiện sự việc, ban quản trị đã báo hiệu bằng hệ thống chữa cháy, lên gõ cửa từng hộ dân để mọi người xuống di chuyển phương tiện; Đồng thời, hạ cửa cuốn xuống ngăn lũ… Tuy nhiên, nước đổ về quá lớn khiến cửa cuốn nguy cơ bị phá hủy, nên đơn vị đành phải kéo cửa lên. Thống kê, có khoảng 70 ô tô trong tầng hầm, nhưng chỉ có gần 50 xe đánh đi kịp, còn lại bị nước nhấn chìm, cùng hàng chục xe máy.

Anh Hiếu, đại diện Gara ô tô Huấn Thành (Đà Nẵng) cho hay, ô tô bị nước nhấn chìm chắc chắn sẽ hư hại hết hệ thống điện, ngoài ra nếu cố nổ máy để di chuyển có thể bị phá máy… Xe càng sang, giá trị lớn, thiệt hại càng nhiều. Đơn cử xe Rangrover hệ thống điện khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, nếu làm máy sẽ mất 2 tỷ đồng. Những xe sang khác khắc phục hệ thống điện cũng trên dưới 500 triệu đồng.

Không riêng khu vực HAGL Lakeview, hàng loạt tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Lê Đình Lý, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hùng Vương, Chi Lăng... bị ngập sâu từ 20-40cm. Nhiều tuyến đường ở quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà như: Trần Hưng Đạo, Bùi Dương Lịch, ngã ba đường Phan Tứ - Võ Nguyên Giáp… cũng bị tái ngập sâu đến 50cm, khiến lưu thông bị gián đoạn. Hàng loạt phương tiện bị chết máy, ô tô nằm “ngâm” trong nước ngập.

Quy hoạch đô thị sai?

Thống kê Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, mưa lớn những ngày qua khiến Đà Nẵng có 37 khu vực ngập úng nặng, ngập sâu nhất là khu vực các đường Hải Hồ, Lý Tự Trọng, Đống Đa, Ông Ích Khiêm, Thanh Thủy (phường Thanh Bình và Thuận Phước, quận Hải Châu); tổ 33, 34 và 35 phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu); trước cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh; ngã ba đường Nguyễn Đức Thuận - Võ Nguyên Giáp… Theo lãnh đạo công ty này, đơn vị huy động lực lượng tham gia khơi thông cống thoát nước, vệ sinh tại các cửa thu nước, vận hành hết công suất các trạm bơm chống ngập, mở hết các cửa phai tại các hồ điều tiết. Tuy nhiên, lượng mưa quá lớn, vượt quá tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước nên gây ngập úng nhiều khu vực trên địa bàn thành phố.

Các chuyên gia cho rằng, ngập úng Đà Nẵng có nguyên nhân sụt lún nền đô thị mà thành phố đang gặp phải. Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho hay, từ đêm 8 - ngày 9/12, Đà Nẵng nhận lượng mưa kỷ lục từ trước tới nay, trong khi đó, hệ thống thoát nước của thành phố cũng chưa đạt chuẩn khiến nước không thoát kịp. Việc biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng lên làm chậm quá trình thoát nước cũng là tác nhân gây ngập.

Theo ông Loan, sau thời kỳ đô thị hóa, các hồ điều tiết của thành phố còn thiếu nhiều, cống rãnh, hệ thống bơm chưa đạt. Việc bùng nổ dân số cùng với việc mọc lên của hàng loạt khách sạn, resort khiến cơ sở hạ tầng thoát nước không theo kịp. “Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân, vứt rác bừa bãi khiến cống thoát nước bị nghẽn. Trận mưa, ngập vừa qua cũng là cơ hội để các nhà quản lý đô thị xem lại hệ thống cống, mạng lưới đầu nối từ nhà ra cống...”, ông Loan nói.

Theo KTS Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam (nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP Đà Nẵng), các vùng trũng, công viên, ruộng và các vùng đất thấp khác trước đây là vùng chứa nước tự nhiên của Đà Nẵng như Hòa Xuân, Hòa Liên giờ đã đô thị hóa, san lấp bởi các dự án bất động sản, đắp cao hơn vùng nội thị Đà Nẵng nên gây ngập chủ yếu ở khu vực trung tâm. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa cũng khiến nước mưa không có chỗ thấm làm tăng thêm lượng nước ứ. Trong khi đó, Đà Nẵng còn chủ quan năm nay không có mưa, lụt lớn nữa nên việc quản lý hệ thống kênh mương, miệng xả, cống không được thông dòng. Khi lượng mưa lớn bất ngờ thì nước không thoát được.

“Một sai lầm khác của quy hoạch là các tuyến đường ven bờ sông, ven hồ, ven biển nhưng lại xây dựng những con đường cao hơn đất trong thành phố khiến nước trong thành phố không thoát được. Trong khi đó, nước phải chảy ra biển, sông thông qua cống nhưng hệ thống cống nhỏ, tắc do rác thải lâu ngày không được nạo vét, khơi thông dẫn đến ngập”, ông Diệm nói.

Ai chịu trách nhiệm bồi thường ô tô ngập nước?

Về việc hàng loạt xe sang ngập nước tại chung cư HAGL Lakeview, ông Nguyễn Xuân Ngọ cho hay, hiện các hộ dân chưa đặt vấn đề bồi thường. Trước mắt Ban quản trị phối hợp với các đơn vị chức năng giải phóng nước ứ đọng, đưa các phương tiện ra ngoài.

Theo ông Ngọ, tháng 12/2015, UBND quận Thanh Khê có quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư HAGL Lakeview. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì và hạ tầng cơ sở vật chất cho Ban theo quy định. Hoạt động của Ban quản trị vẫn mang tính “tự vận hành”.

Trao đổi với PV, luật sư Lưu Mai Hưng, Giám đốc Hãng luật Times (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện hết trách nhiệm bàn giao theo quy định với Ban quản trị thì trách nhiệm đền bù, khắc phục sự cố như vụ ô tô ngập nước trong tầng hầm thuộc về chủ đầu tư căn cứ theo điều khoản hợp đồng và pháp luật hiện hành.

Đại diện một công ty bảo hiểm tại miền Trung, trường hợp các ô tô bị ngập nước mà có bảo hiểm thì phía công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm về các thiệt hại xác định được do yếu tố này.

Tác giả: Xuân Huy - Vĩnh Nhân

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP