Giáo dục

Ngành du lịch "khát" nhân lực sau đại dịch

Du lịch là ngành có cơ hội nghiệp cao, sinh viên được học nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Mặc dù trong 2 năm vừa qua, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, nhưng nhu cầu, xu hướng du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người chưa bao giờ dừng lại. Thực tế bối cảnh hiện nay cho thấy rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Việt Nam đã và đang hồi phục rất mạnh.

Theo Google Destination Insights, lượng tìm kiếm trong nước về du lịch nội địa trong tháng 5/2022 tăng 487% so với cùng kỳ, và tiếp tục tăng lên 669% trong tháng 6/2022. Đây là tín hiệu rất tích cực, báo hiệu một mùa du lịch hè bùng nổ khi hoạt động du lịch nội địa đã phục hồi trở lại.

Để chuẩn bị cho sự phục hồi của du lịch chúng ta cần rất nhiều nhân lực cho ngành, PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyên Hồng, Trưởng khoa Khách sạn – Du lịch, trường Đại học Thương mại cho biết: “Với 2 chương trình đào tạo Quản trị khách sạn và Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành (định hướng nghề nghiệp), sinh viên được tham gia các học phần thực tập tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. Chương trình có số tín chỉ học phần thực hành tại doanh nghiệp rất cao, 42/120 tín chỉ học tập trong 4 năm học”.

Ngay từ năm đầu tiên, các bạn sinh viên được tham gia học phần thực tập nhận thức nghề nghiệp. Sang năm thứ 2, sinh viên học phần thực tập nghiệp vụ. Năm 3 học phần thực tập quản trị. Và thực tập tốt nghiệp cuối khóa vào năm 4.

Với chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp, sinh viên được học tập trong môi trường học tập đạt chuẩn tại các doanh nghiệp khách sạn, dịch vụ du lịch có uy tín. Bên cạnh đó, sinh viên có thể chủ động, nhanh chóng tiếp thu thực tiễn kiến thức ngành nghề, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận sớm và nhiều cơ hội việc làm trong khi học và sau khi ra trường.

Ngành du lịch sẽ có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới

“Nắm bắt được xu thế này, khoa đã thiết lập mối quan hệ và ký kết MOU với gần 50 doanh nghiệp đối tác là các công ty du lịch, các khách sạn và khu resort cao cấp trên phạm vi cả nước trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đào tạo các học phần thực tập tại doanh nghiệp, tiếp nhận sinh viên thực tập, làm thêm,…”, bà Hồng cho biết thêm.

Nhiều buổi giao lưu giữa nhà trường và các doanh nghiệp du lịch

Đối với cơ hội việc làm sau khi ra trường, bà Nguyễn Thị Nguyên Hồng chia sẻ: “Du lịch là ngành kinh tế liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, xu hướng đi du lịch nghỉ ngơi, thư giãn, trải nghiệm của người dân sẽ ngày càng tăng cao. Có thể khẳng định rằng, đây sẽ chính là lĩnh vực đặc biệt “khát" nhân lực trong cả hiện tại và tương lai”.

Chương trình đào tạo của khoa gắn liền với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, sinh viên năng động, ý thức kỷ luật cao và hội nhập. Quá trình học tập, làm việc và trải nghiệm, hưởng thụ đi du lịch gắn liền với nhau.

Do đó 95% sinh viên có việc làm tại các khách sạn, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch khác chỉ sau 1 năm tốt nghiệp. Nhiều sinh viên của khoa đã có việc làm ngay đúng ngành nghề trong khi đang học tập tại trường.

Sinh viên được thực tập từ sớm

Ngoài ra không chỉ được học tập trong môi trường đạt chuẩn, tại đây sinh viên còn có thể tham gia các câu lạc bộ trực thuộc khoa như CLB Du lịch (Tourism Club), Đội Thanh niên xung kích khoa (BVT), Chi hội sinh viên của Khoa với các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội nhiều ý nghĩa.

Thường niên và thường kỳ, Khoa còn tổ chức các cuộc thi vô cùng bổ ích cho sinh viên như “Du lịch – Khám phá và trải nghiệm”, Team Building “Light B up”, Cuộc thi Super Chef,… cùng nhiều tour du lịch học tập trải nghiệm nghề nghiệp tại các điểm đến nổi tiếng cho toàn thể sinh viên trong Khoa.

Có thể thấy, với sự đổi mới, bắt kịp xu thế trong công tác đào tạo, Khoa Khách sạn - Du lịch, Trường Đại học Thương mại sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ toàn diện cho sinh viên. Khoa cũng sẽ luôn cập nhật, chuyển giao và phát triển các dự án, các chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Các doanh nghiệp là đối tác của khoa Khách sạn - Du lịch như Công ty lữ hành Hanoi Tourist, Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism), Công ty Du lịch Tiên Phong Travel,...

Các khách sạn, resort và dịch vụ du lịch như: Công ty CP Tập đoàn Flamingo, Công ty CP FLC, Công ty TNHH Tập đoàn Sun World, Melia Hà Nội, Sheraton Hanoi, InterContinental Hanoi West Lake, Hyatt Regency West Hanoi, Novotel, Công ty CP VinPearl, chuỗi Golden Gate,…

Ngoài ra, khoa còn hợp tác với các đối tác nước ngoài để tạo cơ hội học hỏi, thực tập trong môi trường mang tính quốc tế cho sinh viên như: Công ty CP World Wide Works, Công ty CP Core Global Management (Nhật Bản),…

Khoa Khách sạn - Du lịch, trường Đại học Thương mại được thành lập vào ngày 26/12/1966, đến năm 2013, khoa quản lý đào tạo 2 ngành là Quản trị khách sạn và Quản trị dịch vụ Du lịch & lữ hành. Với đội ngũ giảng viên đạt chuẩn gồm 3 Phó giáo sư, 12 Tiến sĩ và 9 Thạc sĩ có trình độ cao, giàu kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực du lịch.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: ngành học , nhân lực , du lịch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP