Đó là mục tiêu của Hội nghị Thúc đẩy và Tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp với đại diện các NH thương mại.
Đối tượng sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo được vay vốn ngân hàng lãi suất 6%/năm. Ảnh: NHA MÂN |
Tại hội nghị, các NH thương mại như Vietcombank, Agribank, Sacombank… đã cam kết cho vay lãi suất 6%/năm đối với sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo. Lãnh đạo Vietcombank khẳng định sẽ dành khoảng 9.000 tỉ đồng cho vay các nhu cầu thu mua lúa gạo, đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp (DN) sản xuất, tiêu thụ lúa gạo có phương án, dự án khả thi và giải ngân sớm khoản vay… Agribank cũng dành gần 70% dư nợ tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Lãnh đạo Agribank khẳng định bảo đảm đủ nguồn vốn, hoàn thiện phương thức, cách thức cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận vốn.
Ông Đoàn Vũ Thảo, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), cho biết từ đầu năm đến nay, chi nhánh đã cho vay 35 khách hàng cá nhân, DN trong lĩnh vực lúa gạo với dư nợ 1.300 tỉ đồng. Để người dân, DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn, chính quyền địa phương cần hỗ trợ hình thành vùng sản xuất lớn nhằm có cơ chế cho vay thuận lợi, đồng thời giảm rủi ro, hình thành chuỗi giá trị ngành, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 1-2019, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL là 50.000 tỉ đồng, chiếm một nửa cả nước với khoảng 135.000 lượt khách hàng, đã phần nào giúp DN tháo gỡ khó khăn về vốn. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, nhìn nhận NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho lĩnh vực nông nghiệp (trong đó có ngành lúa gạo), có chính sách ưu đãi về lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo. Chủ động tiếp cận các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Các NH xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới, đồng thời đẩy mạnh chương trình kết nối NH và DN, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay…
Tác giả: Duy Thanh - Linh Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động