Nhà máy thép Dana-Ý đã dừng sản xuất thời gian qua - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Chính quyền Đà Nẵng đã có quyết định về số phận 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc, lúc đầu là di dời dân xung quanh 2 nhà máy nhưng sau đó rút lại, rồi yêu cầu dừng hoạt động 2 nhà máy.
Sự việc như vậy gây quá vất vả cho doanh nghiệp (DN). Từ năm 2016 đến nay có đến 16 cuộc họp giữa TP với công ty. Chúng tôi muốn sản xuất chứ không phải đi khiếu kiện, nhưng cách hành xử của chính quyền ép DN buộc công ty phải vậy.
Trước đây, nhà máy chúng tôi nằm ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, được lãnh đạo Đà Nẵng khuyên nên dời vì không phù hợp ngành luyện thép. TP sẽ bố trí đất khu vực xa dân cư.
Công ty đồng ý, xung phong dời đến Khu công nghiệp Thanh Vinh, mua đất 15ha làm nhà máy. Lúc đó, xung quanh nhà máy thưa thớt dân, khoảng 30 hộ nhưng nằm sát nhà máy chỉ chừng vài hộ. Công ty đã thực hiện 4 bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Cách đây 3 năm, Chi cục Bảo vệ môi trường yêu cầu trong ĐTM chưa hoàn chỉnh, công ty mới tiến hành làm ĐTM thứ 5.
Ông Huỳnh Văn Tân - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Đà Nẵng chưa ký duyệt ĐTM thứ 5 do vướng quy định khoảng cách ly giữa bờ tường nhà máy với khu dân cư là 500m không đạt. Vì lúc này khu dân cư đã tăng lên hàng trăm hộ và làm nhà cửa đến gần sát bờ tường nhà máy. TP đã lên kế hoạch giải tỏa các hộ dân này.
Trước sức ép từ chính quyền, hai công ty thép Dana - Ý và Dana - Úc ứng trước 400 tỉ đồng để cùng TP giải tỏa, đền bù, xây khu tái định cư để sau này TP đấu giá đất lấy tiền trả lại cho DN.
Chủ trương giải tỏa này được nhiều người dân đồng tình, ủng hộ, nhưng đột ngột TP lại hủy quyết định di dời. Tại sao ông bí thư TP trước đồng ý giải tỏa dân nhưng ông khác về bảo dừng? Dừng thì phải đưa ra phương án, giải pháp tốt hơn cái cũ chứ?
Người dân bao vây nhà máy là họ bức xúc chuyện giải tỏa, sao lại bắt nhà máy dừng hoạt động? Nếu tôi sai, tôi chấp nhận đóng cửa nhà máy.
Các cơ quan chức năng đã cử hàng chục người lên nhà máy để quan trắc, đo đạc các chỉ số môi trường nhưng tìm không ra lỗi. Sau đó, TP quay qua cái lỗi là vi phạm hành chính (chưa có ĐTM bổ sung) để dừng hoạt động nhà máy, đây là một sự bất công, nếu tôi không bình tĩnh thì đã nhảy cầu tự tử.
Bản chất lỗi vi phạm khoảng cách nhà máy - dân cư không phải lỗi của doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của chính quyền. Cái sai vì TP đã cấp đất nhà dân làm sát nhà máy thì TP phải chịu, chứ sao bắt DN chịu? Chính TP ra quyết định giải tỏa dân xung quanh nhà máy thì cũng chính TP thu hồi quyết định giải tỏa. Nhà máy cả nghìn công nhân mà ra lệnh đóng cửa như thế chúng tôi không hiểu nổi.
Việc kiện ra tòa là do quá sức với DN, chúng tôi không kiện, cổ đông nước ngoài cũng kiện. Cứ lãnh đạo nhiệm kỳ này ký cho DN làm, nhiệm kỳ sau không cho, DN khó tồn tại và phát triển. Điều này trên bình diện rộng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Khởi kiện là con đường công ty chúng tôi phải dũng cảm đứng lên để bảo vệ cái chung.
Ra tòa là giải pháp văn minh Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê, Đà Nẵng ngày 11-6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết Thanh tra TP đã có kết luận thanh tra 2 nhà máy thép, trong đó có sai phạm của chính quyền thời kỳ đó. Quy hoạch khu vực đó không được bố trí nhà máy thép nhưng vẫn tham mưu, bố trí nhà máy thép. Trước đây TP có phương án giải tỏa, người dân cũng thích phương án này. Nhưng quá trình triển khai giải tỏa chậm, dân gây sức ép muốn giải tỏa cho nhanh, ở đây xây dựng trái phép cũng nhiều... Sau đó, Thường vụ xem xét lại là phương án đó cũng không ổn, đổi lại là dừng nhà máy. TP và DN đã trao đổi, hai bên không "gặp nhau" được thì ra tòa. Nếu tòa phán quyết là do nhà máy sai thì họ chịu, nếu TP sai thì TP chịu. Ra tòa là giải pháp văn minh, công bằng. |
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ