3 năm nay, người dân nhiều lần bao vây 2 nhà máy thép do hoạt động gây ô nhiễm. Lãnh đạo Đà Nẵng có đối thoại và "hứa" có giải pháp rồi... để đó.
Sai từ ngày "khai sinh"?
Năm 2004, cụm công nghiệp (CCN) Thanh Vinh mở rộng được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng, nhằm bố trí cho các ngành CN nhẹ ít gây ô nhiễm môi trường, không có loại hình sản xuất thép.
Tuy nhiên, quy hoạch CCN không đảm bảo khoảng cách ly an toàn tối thiểu về môi trường đến khu dân cư là 50m.
Người dân đối thoại với lãnh đạo thành phố |
Thế nhưng năm 2008, 2009, UBND TP Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc hoạt động tại đây.
Sau đó, UBND TP phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch mở rộng chi tiết tỉ lệ 1/500 hai nhà máy thép.
Tuy nhiên, khoảng cách ly từ 2 nhà máy thép này đến khu dân cư vẫn không đảm bảo tối thiểu là 500m theo quy định. Sai phạm này Thanh tra Đà Nẵng đã chỉ ra là thuộc trách nhiệm của Văn phòng UBND TP, các sở ngành liên quan.
Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng Hà Đức Hùng cho rằng, TP đã sai lầm trong quy hoạch khi bố trí 2 nhà máy thép đến khu vực gần dân cư. TP xác định sửa sai thì nên có phương án giải quyết hài hoà, đảm bảo quyền lợi cho người dân, DN, nhà đầu tư và cả chính quyền địa phương.
Cuối năm 2016, nhiều hộ dân sống gần nhà máy phản ánh lên chính quyền về việc 2 nhà máy hoạt động gây ô nhiễm môi trường. DN phải nhận lệnh đình chỉ hoạt động
Sự việc đã được chính quyền vào cuộc đối thoại và cam kết ngày 3/10/2018 là thời hạn cuối để UBND TP quyết định số phận của 2 nhà máy.
Thành phố lúng túng, hứa rồi... bỏ ngỏ
Ngày 29/12/2016, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo các sở, ban, ngành lập dự toán kinh phí đền bù, giải tỏa, di dời các hộ dân để nhà máy tiếp tục hoạt động trong thời gian khấu hao tài sản.
Ngày 22/2/2017, UBND TP có thông báo triển khai ý kiến chỉ đạo của Thành ủy cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời.
Công tác giải tỏa đền bù do công ty thép Dana Ý và công ty thép Dana Úc chịu kinh phí theo quy định của TP đã được 2 đơn vị đồng ý và thống nhất theo phương án chỉ đạo của chính quyền.
Tuy nhiên, hết thời hạn 6 tháng tạm dừng hoạt động, số phận 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc vẫn chưa nhận được trả lời từ chính quyền TP Đà Nẵng: Di dời hay ở lại?
Tháng 10/2018, khi mà người dân tiếp tục bao vây nhà máy, TP đã chỉ đạo yêu cầu 2 nhà máy chấm dứt các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Hai DN đã kiến nghị UBND TP sớm có phương án xử lý: Di dời nhà máy và hỗ trợ, đền bù theo quy định; hoặc di dời các hộ dân xung quanh đi nơi khác…
Nhà máy thép Dana Ý đặt ngay trong khu dân cư từ lâu bị người dân phản đối vì gây ô nhiễm |
Người dân nhiều lần bao vây |
Ngày 16/10/2018, tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Thường trực HĐND TP, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết sẽ phải xử lý, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với những đơn vị, tổ chức được nêu trong kết luận Thanh tra TP như Sở TN&MT, Văn phòng UBND TP...
Đồng thời, yêu cầu 2 nhà máy nghiêm túc chấn chỉnh và có biện pháp khắc phục đối với các tồn tại, vi phạm trong quá trình hoạt động và bảo vệ môi trường đã được nêu ở kết luận thanh tra.
Cuối tháng 11/2018, UBND TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,1 tỷ đồng (công ty CP thép DaNa Ý bị phạt 400 triệu đồng; công ty CP thép DaNa Úc 740 triệu) đối với 2 mhà máy thép đóng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 2 nhà máy tiếp tục bị đình chỉ hoạt động sản xuất thêm 6 tháng để khắc phục các vi phạm.
Đến nay, TP Đà Nẵng vẫn chưa có quyết định dứt khoát về “số phận” của 2 nhà máy. Sự lúng túng trong công tác xử lý chỉ đạo giải quyết của TP Đà Nẵng không dứt điểm đã kéo nhiều hệ lụy - bản thân DN cũng "ngồi trên đống lửa", công nhân thất nghiệp...
Thành phố phát lệnh phạt, công ty đâm đơn kiện?
Sáng 10/5, trao đổi với VietNamNet, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT cho biết, hai nhà máy thép vẫn chưa nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
“Trước mắt 2 nhà máy vẫn còn trong thời gian nộp phạt thì Sở chỉ có văn bản đôn đốc, nhắc nhở họ nộp phạt”, ông Hùng nói. Đến ngày 22/5 - hết thời hạn 6 tháng 2 nhà máy thép này tạm ngừng hoạt động. Theo quy định, nếu hết thời hạn xử phạt, 2 nhà máy có tiếp tục có thêm 6 tháng để khắc phục.
Ông Tô Văn Hùng: Hiện nay DN đã phát đơn kiện |
“Hết thời gian vẫn tiếp không khắc phục được thì 2 nhà máy vẫn có đơn kiến nghị TP xem xét tiếp tục khắc phục, không quá 24 tháng. Nếu hết tất cả những thời hạn theo quy định của nhà nước cho phép mà họ không khắc phục được thì sẽ thu hồi dự án”, ông Hùng chi biết.
Theo ông Hùng, hiện nay TPố và DN đang triển khai một số trao đổi để tìm giải kiếm pháp và đang thực hiện. Quan điểm của TP là cố gắng tìm giải pháp nào đó để thuận lợi cho nhau không phải kiện cáo. Hiện nay DN đã phát đơn kiện, một số nội dung nêu trong đơn kiện thì các sở, ngành đã chuẩn bị những hồ sơ cần thiết.
Đại diện công ty cổ phần thép Dana Ý cho biết, việc khởi kiện công ty đã nộp hồ sơ, hiện nay giữa TP Đà Nẵng và DN đang trong quá trình hòa giải để tìm tiếng nói chung và sẽ không đóng phạt. “Khi đang khiếu nại, khiếu kiện có nghĩa đơn vị không chấp nhận là sai nên không nộp phạt" - vị đại diện nói.
Vẫn theo vị đại diện công ty, hiện nay đánh giá tác động môi trường chưa có cái cuối cùng, nhưng từng giai đoạn đã có. Còn cái làm lại tổng thể toàn bộ nhà máy chưa có vì TP do khoảng cách cách ly chưa đảm bảo. Trước đó, TP nói chờ giải tỏa dân rồi ký, sau đó lại hủy quyết định.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo quý 1, ngày 24/4, ông Hùng cho rằng khi ra quyết định xử phạt các sai phạm và đình chỉ 6 tháng 2 nhà máy, TP đã lường trước được mọi kịch bản có thể xảy ra.
Tác giả: Nguyễn Hiền - Vĩnh Định
Nguồn tin: Báo VietNamNet