Từ ngày đất sản xuất lúa của gia đình bị thu hồi để phục vụ dự án KDC số 2, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Bích Th. (trú thôn Ngọc Tam, phường Điện An) chỉ biết quanh quẩn ở nhà, ngồi bán lẻ từng kilôgam phân bón cho bà con địa phương; vì với độ tuổi ngoài “tứ tuần” như bà Th. thì không thể xin làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp được.
Bà Th. chia sẻ, gia đình bà có 440m² đất sản xuất lúa gần nhà đã được chủ đầu tư và chính quyền địa phương thu hồi để xây dựng KDC số 2. Số tiền đền bù gia đình bà Th. nhận được khi bị thu hồi đất là gần 140 triệu đồng, bao gồm cả tiền đền bù thu hồi đất, tiền hỗ trợ thất nghiệp, tiền hỗ trợ nhân khẩu.
“Ngày trước, đất lúa của gia đình tôi sản xuất được 2 vụ/ năm, đủ gạo để ăn trong gia đình và cung cấp cho đứa con gái đang theo học đại học tại Đà Nẵng. Nhưng từ ngày bị thu hồi đất sản xuất, gia đình tôi phải ăn gạo mua; số tiền đền bù gia đình nhận được, phần thì dùng trang trải chi phí sinh hoạt, phần chu cấp cho đứa con đang theo học đại học cũng đã vơi dần. Khi mới có thông tin giải tỏa, thu hồi đất để phục vụ dự án KDC số 2, nhiều bà con địa phương đã tỏ ra không đồng tình vì cho rằng số tiền đền bù là quá thấp. Tuy nhiên, sau đó được tuyên truyền, vận động, đến nay đa phần các hộ dân đã chấp nhận nhận tiền đền bù để giao đất cho chủ đầu tư”, bà Th. bộc bạch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án KDC số 2, phường Điện An, có tổng diện tích 6,4ha do Công ty CP Đầu tư - Phát triển đô thị Ân Phú làm chủ đầu tư, được triển khai thi công từ tháng 9-2017. Đến nay, đơn vị chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng để kịp cuối năm nay phân lô bán nền dự án.
Công ty Ân Phú đang san lấp đất nông nghiệp để phân lô, bán nền tại KDC số 2, phường Điện An, thị xã Điện Bàn. |
Để triển khai dự án, 116 hộ dân của phường Điện An đã bị ảnh hưởng, thu hồi đất, đa phần là đất nông nghiệp. Dù chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân, thông báo công tác đền bù giải tỏa, song hiện vẫn còn một số hộ chưa chịu nhận tiền đền bù để bàn giao đất, vì họ cho rằng giá đền bù chưa tương xứng với diện tích đất bị thu hồi.
Thực tế cho thấy có một điểm chung là phần lớn các dự án đang triển khai tại tỉnh Quảng Nam, đặc biệt các dự án KDC, khu đô thị mới đều nằm ở những vị trí “đắc địa”, phần lớn diện tích đất bị thu hồi để phục vụ dự án là đất nông nghiệp.
Vì vậy, bài toán giải quyết công ăn việc làm hậu đền bù giải tỏa, thu hồi đất cho người nông dân là cực kỳ nan giải. Thực tế không chỉ có bà Th. mà hàng ngàn nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp cũng đang loay hoay với việc chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm mới.
Như tại huyện Duy Xuyên, thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện này cho thấy qua rà soát, thống kê, tổng số diện tích đất bị thu hồi từ đầu năm 2016 đến nay ở địa phương là gần 2,1 triệu m², trong đó diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi gần 2 triệu m².
Đã có 1.274 hộ bị thu hồi đất để phục vụ việc triển khai các dự án trên địa bàn huyện Duy Xuyên, với gần 2.500 lao động bị thu hồi đất, trong đó có 2.046 lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Mặc dù số lao động bị thu hồi đất đông như vậy, nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, toàn huyện Duy Xuyên chỉ đào tạo nghề được cho 311 lao động (chiếm tỷ lệ 15,2%).
Do đó, để tạo điều kiện cho lao động bị thu hồi đất canh tác tự tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế gia đình, huyện Duy Xuyên đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam bố trí thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc để hỗ trợ cho các hộ bị thu hồi đất có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất; bố trí kinh phí đào tạo nghề cho lao động thu hồi đất. Đồng thời, đề nghị các địa phương có hướng dẫn, định hướng học nghề cho người lao động thu hồi đất và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề đúng mục đích, hiệu quả.
Có một thực tế đang diễn ra ở một số dự án phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng cần phải nhắc đến là tình trạng “cầm đèn chạy trước ôtô” của chủ đầu tư. Cụ thể, dù chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định, song chủ đầu tư vẫn cho tiến hành triển khai thi công dự án để nhanh chóng thực hiện phân lô bán nền, thu hồi vốn. Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng ở các dự án KDC, khu đô thị, khu phố mới đang triển khai tại Quảng Nam chưa được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc.
Đơn cử như tại dự án Khu phố chợ Bà Rén ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn. Mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư dự án có tổng diện tích 4,9ha này là Công ty TNHH Kinh doanh Tân Ngọc Phúc (Công ty Tân Ngọc Phúc) đã tổ chức thi công xây dựng công trình. Với hành vi vi phạm của chủ đầu tư, ngày 10-4-2018, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng, yêu cầu Công ty Tân Ngọc Phúc dừng thi công xây dựng công trình vi phạm.
Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị UBND huyện Quế Sơn chỉ đạo các phòng ban liên quan của huyện và UBND xã Quế Xuân 1 thực hiện việc quản lý trật tự xây dựng, theo dõi tình hình xây dựng không phép của Công ty Tân Ngọc Phúc theo đúng quy định của pháp luật.
Tác giả: Ngọc Thi
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân