Căn cứ hải quân Ream của Campuchia |
Dù các quan chức Trung Quốc và Campuchia đều phủ nhận việc này, song các quan chức Mỹ và đồng minh đều khẳng định thỏa thuận đã được Phnom Penh và Bắc Kinh ký hồi mùa xuân.
Theo WSJ, các quan chức Mỹ được xem dự thảo thỏa thuận cho biết, giao kèo này cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân của Campuchia ở Vịnh Thái Lan trong 30 năm và tự động gia hạn 10 năm một lần sau đó.
Phay Siphan, một phát ngôn viên của chính phủ Campuchia cho hay, thỏa thuận trên chỉ là tin giả. "Không có việc như vậy xảy ra".
Theo giới chức Mỹ, với thỏa thuận trên, Bắc Kinh có thể sử dụng căn cứ hải quân đầu tiên ở Đông Nam Á để cất giữ vũ khí, đậu tàu chiến và triển khai quân nhân.
Emily Zeeberg, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh cho biết, Washington lo ngại việc chính phủ Campuchia cho phép quân đội nước ngoài hiện diện tại nước này sẽ đe dọa tới hòa bình và ổn định của khu vực.
Theo WSJ, các quan chức Mỹ đang thảo luận việc liệu Washington có thể thuyết phục Phnom Penh đảo ngược lại quyết định hay không.
Thông tin về thỏa thuận trên được công bố sau khi Mỹ và các đồng minh vận động Campuchia không cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một sân bay được xây dựng ở Dara Sakor, dự kiến mở cửa vào 2020. Sân bay này do một công ty tư nhân Trung Quốc xây dựng sau khi được phép thuê đất Campuchia trong 99 năm.
WSJ đưa tin, các hình ảnh vệ tinh cho thấy, sân bay trên có đường băng dài 3,2km, thích hợp cho các máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc.
Quan hệ giữa Campuchia và Mỹ xấu đi vào tháng 8/2017 sau khi Phnom Penh buộc tội Washington can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này.
Tác giả: Hoài Linh
Nguồn tin: Báo VietNamNet