Tìm đến Bệnh viện K3 Tân Triều hỏi thăm bé Phạm Minh Khang (4 tuổi, ở thôn Bình Cầu, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Liên, mẹ của bé đang ngồi ủ rũ ngoài sảnh bệnh viện để đợi đến giờ vào thăm con trong phòng hồi sức cấp cứu.
Không may mắn như nhiều bạn cùng trang lứa, tuổi thơ của Khang là chuỗi ngày tháng gồng mình chống chọi với bệnh tật. Vốn là cậu bé ngoan hiền, nhanh nhẹn, giờ em chỉ có thể nằm một chỗ mà giành giật sự sống từng ngày.
Minh Khang mắc căn bệnh u nguyên bào thần kinh giai đoạn 4 đã di căn |
Trò chuyện với chúng tôi, chị Liên cho biết, Khang bắt đầu có dấu hiệu khác thường từ lúc 2 tuổi. “Cháu kêu đau chân, hay quấy khóc, da dẻ xanh xao. Tụi em đưa con đến bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh khám nhưng không tìm ra bệnh. Sau hai vợ chồng em lo quá mới vay mượn tiền đưa cháu lên bệnh viện Nhi TƯ". Nghe bác sĩ thông báo con mắc bệnh u nguyên bào thần kinh - một dạng ung thư ở trẻ em, vợ chồng chị như chết lặng.
Kể từ đó đến nay, Khang nằm viện nhiều hơn ở nhà, có lần về nhà nghỉ được vài ngày lại phải lên viện gấp vì sức khỏe yếu. Những ngày ở bệnh viện chăm sóc con, vợ chồng chị Liên nhiều đêm phải thức trắng thay nhau bồng bế vì Khang đau quá, khóc cả ngày lẫn đêm. Mỗi lần tiêm truyền, bé khóc ngằn ngặt cả buổi.
Nhìn con da xanh xao nhợt nhạt, xuống cân liên tục mà chị Liên càng thêm tủi. Chị bảo: “Bệnh của cháu đã ở giai đoạn muộn, giờ chỉ biết dùng thuốc cầm cự từng ngày. Có những đợt điều trị hóa chất mất 9 ngày nhưng cháu phải ở viện gần 1 tháng vì tác dụng phụ của thuốc. Vừa qua cháu mới mổ dẫn lưu não thất lần 2. Bác sĩ nói tiên lượng của cháu rất xấu vì ảnh hưởng của thần kinh sau mổ và bệnh của cháu đã di căn xương, gan, não, mắt nữa chú ạ”. Nói đến đây, chị Liên rầu rĩ quay mặt đi, hai hàng nước mắt trào ra.
Hơn 2 năm cùng con chiến đấu với bệnh tật khiến cả kinh tế lẫn sức lực của cha mẹ đều kiệt quệ |
Theo các bác sĩ, trường hợp của bé Khang do phát hiện bệnh muộn nên công tác điều trị rất khó khăn. Phương pháp duy nhất lúc này cho em là truyền hóa chất và dùng những loại thuốc đặc trị. Em Khang có bảo hiểm y tế nhưng loại thuốc cầm cự được sự sống cho bé chủ yếu lại nằm ngoài danh mục bảo hiểm.
Để có tiền chạy chữa cho con trai, vợ chồng chị Liên phải đi vay mượn anh em, bạn bè, vay ngân hàng. Thu nhập từ ít ruộng và tiền lương nhân viên bảo hiểm xe máy của anh Phạm Văn Linh, bố Khang đủ ăn đã là mừng, chẳng bao giờ có dư ra. Suốt 2 năm qua lo chi phí chữa bệnh cho con, kinh tế trở nên khánh kiệt, bao khoản nợ nần chồng chất và giờ đây, dường như gia đình đang đi vào ngõ cụt vì không còn biết bấu víu vào đâu nữa.
Ở dưới quê, con gái út của anh chị năm nay mới 2 tuổi phải nhờ ông bà nội chăm sóc. Thiếu thốn sự quan tâm của bố mẹ từ nhỏ, bé thường xuyên ốm đau, vì thế chị Liên phải chạy đi chạy về liên tục. Vừa về quê chăm con gái được ít ngày, chị vội lên bệnh viện chăm con trai đang nguy kịch trong phòng cấp cứu. Không chỉ chi phí đi lại tốn kém mà sức lực cũng hao mòn.
Đôi mắt mù lòa, chân liệt hẳn, tính mạng của Khang gặp nguy hiểm |
Mấy ngày nay, sức khỏe Khang suy kiệt trầm trọng bởi căn bệnh đã di căn khắp cơ thể em. Nhiều lúc cơn đau hành hạ em đến ngất đi, bác sĩ phải cho Khang thở bằng máy. Chứng kiến cảnh con đau đớn, hôn mê, vợ chồng chị Liên chỉ biết rơi nước mắt trong nỗi bất lực.
Nằm trên giường bệnh, đôi mắt Khang mở to nhưng vĩnh viễn, em đã không còn nhìn thấy ánh sáng. Sự sống của em đang rất mong manh, cha mẹ bất lực vì kinh tế kiệt quệ. Lúc này đây, Khang và gia đình đang cần lắm những bàn tay nhân ái giúp đỡ, để em được tiếp thêm sức mạnh chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Mọi đóng góp có thể gửi về: Gửi trực tiếp: Chị Nguyễn Thị Liên, ở thôn Bình Cầu, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. SĐT 0963335882 |
Tác giả: Phạm Bắc
Nguồn tin: Báo VietNamNet