Bí ngô còn gọi là bí thơm, bí đỏ hay bí rợ, là loại cây thảo, thân có lông dày, mềm, tua cuốn chia thành nhiều nhánh. Lá hình tim, tù. Hoa đơn độc màu vàng, không thơm. Quả to, hình trụ hay chùy, vỏ màu lục đen hoặc vàng, đỏ.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, bí ngô là thực phẩm nhiều dinh dưỡng vừa là một cây thuốc quý. Dây bí ngô mọc lan trên mặt đất. Hiện nay có nhiều loài mà quả có hình dáng và màu sắc khác nhau như hình cầu, hình cầu dẹt, hình trụ, vỏ nâu, vỏ vân, vỏ sẫm màu... thịt đỏ, thịt hồng, thịt vàng, có loại nặng trên 100 kg. Trong số đó có khá nhiều loài lai giống.
Với y học cổ truyền, bí ngô có vị ngọt, tính hơi ôn, tác dụng bổ trung ích khí, thanh nhiệt, nhuận phế, sinh tân dịch, thường chữa đau đầu chóng mặt, mắt kém, viêm gan, thận yếu. Hoa bí, ngọn bí, lá bí tác dụng thanh nhiệt, mát phế, kiện tỳ, tiêu đàm, liễm mồ hôi, sử dụng tốt với chứng ho đàm, táo bón, viêm mật, kiết lỵ, khó ngủ, tiểu đường, tim mạch, huyết áp. Có thể xào, nấu canh, hoặc nấu cháo bí ngô ăn hàng ngày.
Cây có sự thích nghi cao với khí hậu nóng ẩm nhiệt đới, được trồng ở khắp các vùng miền trong nước ta. Hầu như tất cả các bộ phận của bí đỏ đều được sử dụng. Từ lá non, ngọn bí, nụ hoa, quả non, quả già đều sử dụng làm thực phẩm rất ngon và bổ. Rau bí được sử dụng để chữa các chứng đau đầu chóng mặt.
Ba dưỡng chất chính trong bí ngô là chất xơ, vitamin A và vitamin C. Vitamin C chống lại các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, các đốm nâu, bảo vệ làn da chống lại các tác hại của ánh nắng mặt trời và ngăn ngừa tình trạng mất nước, khô da.
Vitamin A giúp sáng mắt, ngừa đục thủy tinh thể hiệu quả. Chất xơ trong quả rất thích hợp cho những người muốn giảm cân hay thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, bí ngô chứa một số chất khoáng và canxi, natri, kali. Với người già và người bệnh huyết áp, những chất này giúp ngăn ngừa loãng xương và tăng huyết áp. Ngoài ra, bí ngô còn chứa magie, phốtpho, sắt, đồng, mangan, crôm và nhiều yếu tố khác giúp xương phát triển. Một số công dụng khác kể đến như tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho sự phát triển của thai nhi, chữa hen suyễn, ngăn ngừa tiểu đường, phòng ung thư do chứa nhiều chất chống oxy hóa và beta- carotene.
Bí ngô có thể chế biến thành nhiều món như hầm thịt, xào, nấu canh rau, nấu cháo ăn hàng ngày. |
Lương y Sáng cho biết hạt bí ngô rất giàu chất physterol và những axit béo omega 3, omega 6, tác dụng giảm lượng cholesterol xấu, ngăn ngừa bệnh tim mạch và huyết áp. Chất axit glutamine cần thiết cho hoạt động não bộ, có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp phản ứng chuyển hóa ở các tế bào thần kinh và não, bồi dưỡng não.
Hạt bí còn được chứng minh trị sán xơ mít và sán Ostriocephalus, giun đũa, phù thũng chân tay ở phụ nữ sau sinh. Phụ nữ thiếu sữa sau sinh, lấy 20 g hạt bí tươi, bóc bỏ vỏ lấy nhân, giã nhuyễn, thêm đường trắng pha với nước nóng uống vào buổi sáng và tối khi bụng đói, liên tục trong 3-5 ngày. Phụ nữ bị tụt đầu vú, đau nhói, lấy tua cuốn của dây bí và một chút muối ăn, tất cả giã nát, hãm nước sôi, vắt nước cốt để uống.
Món ăn bài thuốc từ bí ngô:
Bí đỏ hầm đậu phụng hạt sen chữa tiểu đường, bí đỏ 200 g, đậu xanh 100 g, xương heo 100 g hầm ăn cho thêm gia vị vừa đủ, chữa mất ngủ.
Bí ngô hầm đậu phụng hoặc hầm xương thịt gà, vịt, ngừa đau đầu chóng mặt.
Bí ngô 200 g, đậu xanh 100 g, xương heo 100 g, hầm ăn chữa đái tháo đường.
Quả bí xanh 50-100 g hầm với thịt vịt 50 g và gia vị vừa đủ ăn trong nhiều ngày ngừa tiểu đường.
Tác giả: Thúy Quỳnh
Nguồn tin: Báo VnExpress