Ăn cả lớp màng trắng
Khi bóc vải, bạn thường thấy một lớp màng trắng bọc bên ngoài cơm vải, nếu ăn cả lớp màng này thì sẽ không bị sinh hỏa. Màng trắng có vị hơi chát, ăn vào đến cơm vải bạn sẽ cảm thấy cơm vải càng ngọt hơn.
Bạn cũng có thể ăn cả phần trắng trên đầu hạt vải sau khi ăn cơm vải xong. Cách này cũng có thể hạn chế nhiệt, sinh hỏa, giảm cảm giác nóng trong người khi ăn vải.
Không ăn quá nhiều một lúc
Mỗi lần ăn vải, người lớn chỉ nên ăn khoảng 10 quả, còn trẻ em ăn 3-4 quả. Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết quả vải có khả năng sinh nhiệt do hàm lương đường cực lớn, ăn quá nhiều sẽ gây mụn nhọt.
Thêm vào đó, nếu ăn một lúc khoảng 500g trở lên thì lượng đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu - chuyển hóa của gan, khiến cơ thể tăng tiết insulin, dẫn đến hạ nồng động đường máu, gây phản ứng đường máu thấp làm xuất hiện các biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, miệng khô khát, mỏi mệt...
|
Những người thể chất âm hư, táo, nhiệt càng không nên ăn nhiều vải. Bên cạnh đó, người mắc bệnh tiểu đường cũng cần cẩn trọng khi ăn.
Uống một chút nước muối trước khi ăn
Uống một chút nước muối hoặc trà thảo mộc lạnh, canh bí đao, chè đậu xanh… trước khi ăn vải có tác dụng phòng trừ sinh hỏa. Ngoài ra, bạn có thể ăn 20-30g thịt nạc, uống nước canh xương… trước khi thưởng thức loại quả này, cũng có công dụng tương tự.
Không ăn quả bị sâu đầu, dập nát
Nơi bị dập nát, sâu đầu dễ phát sinh vi khuẩn, nấm có hại cho sức khỏe. Nếu tiếc rẻ ăn những quả vải như vậy, bạn có nguy cơ bị nổi mề đay, bên cạnh đó còn có hiện tượng nôn nao, đau bụng, thậm chí nôn mửa, tiêu chảy.
Khi ăn vải sâu đầu, dập nát, bạn không chỉ dễ bị nóng trong, sinh mụn nhọt mà còn có thể bị ngộ độc. Do đó, tốt nhất bạn nên lựa chọn những quả vải tươi ngon, lành lặn để thưởng thức.
Ăn vải sau bữa ăn chính
Không ít người cho rằng vải ngọt, nhiều đường, nên ăn vào lúc đói để bổ sung lượng đường cho cơ thể đỡ mệt. Tuy nhiên, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho biết đây là suy nghĩ sai lầm.
Ăn vải lúc đói khiến cơ thể được bổ sung lượng đường quá cao, dẫn đến kích thích niêm mạc dạ dày gây đau, viêm, nhiệt hoặc bị say kèm theo các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn, cồn cào, buồn nôn.
Để phòng ngừa nguy cơ nóng trong cũng như các vấn đề sức khỏe khác, bạn tốt nhất chỉ nên ăn vải sau các bữa ăn. Thời điểm này trong cơ thể đã tích trữ đủ lượng nước muối qua thức ăn nên ăn cũng không lo bị nóng.
Tác giả: Đinh Kim (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.com