Số hóa

Lệnh cấm đối với ZTE có thể là "án tử" cho hãng smartphone này

Bị chặn nguồn cung cả về phần cứng lẫn phần mềm, ZTE thực sự đang gặp khó và đối mặt nguy cơ "khai tử" mảng di động đang đạt được nhiều bước tiến của mình trên đất Mỹ.

Mảng di động của ZTE sẽ chịu thiệt hại nặng nề sau lệnh cấm từ Mỹ.

Cách đây ít ngày, giới công nghệ - đặc biệt là người dùng Trung Quốc đã vô cùng bất ngờ trước thông tin ZTE bị Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm kéo dài 7 năm. Theo đó, các nhà sản xuất linh kiện tại Mỹ sẽ không được bán linh kiện cho ZTE do hãng này vi phạm các thỏa thuận và vận chuyển trái phép linh kiện từ Mỹ tới Iran vào năm ngoái.

Đây có thể sẽ là "án tử" dành cho hãng smartphone này, bởi theo ước tính có từ 25 - 30% số linh kiện bên trong điện thoại ZTE được cung cấp bởi Mỹ.

Bên cạnh đó, một nhà cung cấp lớn của Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại nặng nề là Qualcomm. Được biết, các chip xử lý của Qualcomm chiếm từ 50 - 65% số thiết bị của ZTE, và nếu bị cấm, hãng này sẽ buộc phải chuyển sang một nguồn cung chipset khác tại Đài Loan là MediaTek.

Cấm sử dụng Android

Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại khi Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu cấm ZTE sử dụng các phần mềm có nguồn gốc từ Mỹ, bao gồm nền tảng hệ điều hành Android của Google trên tất cả các thiết bị.

Đây mới thực sự là "thảm họa" với nhà sản xuất đến từ Trung Quốc. Trong nhiều năm trở lại đây, Android được biết đến như nền tảng miễn phí và sử dụng mã nguồn mở, là giải pháp của Google cho tất cả các nhà sản xuất smartphone ngoài Apple khi họ được "thoải mái" xây dựng và phát triển phần mềm.

ZTE Blade V8 Pro với giao diện hệ điều hành Android.

Gói ứng dụng của Google bao gồm các dịch vụ phổ biến như Gmail, Google Maps, Cửa hàng Play Store,... dần trở thành những giá trị cốt lõi và không thể thay thế, đặc biệt là với thị phần người dùng bên ngoài Trung Quốc. Vì vậy, lệnh cấm không được phép sử dụng phần mềm của Google rất có thể sẽ khiến "đế chế" ZTE sụp đổ nhanh chóng.

"Đế chế" sớm nổi, chóng tàn?

ZTE trong một vài năm gần đây được biết đến như nhà sản xuất chuyên tung ra các sản phẩm ở phân khúc giá rẻ hoặc tầm trung, vốn không tạo ra tiếng vang lớn như các đối thủ "sừng sỏ" khác. Thế nhưng tại Mỹ, ZTE lại đang nổi lên như một thế lực "đáng gờm", đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng nhờ các thỏa thuận được ký kết với cả 4 nhà mạng lớn tại đây.

Tại Việt Nam, ZTE cũng bắt đầu được biết đến hồi năm 2015 với các dòng sản phẩm Blade D2, Blade D Lux, Blade V6,... Tuy nhiên nhìn chung, người tiêu dùng Việt khá thờ ơ với thương hiệu ZTE do sự nổi lên của nhiều hãng điện thoại Trung Quốc khác như OPPO, Huawei, Xiaomi,...

Bước ngoặt của "đế chế" đang trong giai đoạn bùng nổ ZTE có thể sẽ bị chững lại, và thậm chí có thể dẫn đến sụp đổ sau khi lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ được ban hành.

ZTE cũng đã phải nộp phạt 890 triệu USD, và có thể phải nộp thêm 300 triệu USD nếu tòa án ra phán quyết phạt bổ sung.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP