Trong nước

Lãnh đạo Bộ GTVT từ chối dừng khẩn cấp Uber, Grab

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông giải thích, việc kiểm soát số lượng phương tiện giao thông theo các loại hình thuộc thẩm quyền của địa phương. Còn việc cho thí điểm hoạt động với Uber, Grab taxi là do Thủ tướng quyết định. Đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội về việc dừng khẩn cấp Uber, Grab, theo đó, không nhận được sự đồng tình…

Với việc Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Uber và Grab, Thứ trưởng Bộ GTVT phân tích, loại hình vận tải có sử dụng các công nghệ kết nối đã phổ biến ở Việt Nam một vài năm nay. Không chỉ có Uber và Grab kinh doanh loại hình vận tải này. Thực tế đã có khoảng 10 hãng taxi áp dụng các công nghệ kết nối, không chỉ kết nối bằng điện thoại mà còn trên hiều nền tảng công nghệ khác, mang lại thuận lợi cho người sử dụng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi về quan điểm đối với việc Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Uber, Grab taxi.


Về thẩm quyền quyết định với hoạt động của Uber, Grab, ông Đông chỉ rõ, Thủ tướng đã cho thí điểm mô hình kinh doanh vận tải này, đang triển khai tại các đô thị. Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, thành phố quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có cả quản lý quy hoạch giao thông (quy hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch lượng xe, tổ chức các loại hình vận tải…). Tất cả các yếu tố này phải được xác định từ quy hoạch phát triển hạ tầng, từ mức độ phát triển hạ tầng hiện hữu… Số lượng phương tiện, theo đó, sẽ được xác định thông qua quy hoạch.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, việc kiểm soát số lượng phương tiện theo loại hình nào là thẩm quyền của các địa phương.

“Đây là kiến nghị của Hiệp hội Vận tải, địa phương sẽ xem xét, tuỳ theo điều kiện hạ tầng giao thông cụ thể của các địa phương, có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng của mình” – ông Đông giải thích.

Đối với vấn đề quy hoạch xây cao ốc tại khu vực ga Hà Nội, Thứ trưởng GTVT nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thận trọng với quy hoạch này.

“Hiện quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận cũng đang được lấy ý kiến bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT. Quan điểm của chúng tôi, việc UBND TP Hà Nội quy hoạch phân khu chức năng trong quy hoạch đô thị là cần thiết vì quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô được đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, phải cụ thể hoá. Nguyên tắc là các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết phải phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Về khía cạnh giao thông liên quan đến khu vực ga Hà Nội, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, khu vực này rộng 98 ha, không chỉ riêng ga Hà Nội, khu ga chỉ có 17 ha thôi. Đánh giá chung, các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đều đang quá tải hạ tầng giao thông. Việc kiểm soát phát triển không gian đô thị là hết sức quan trọng, không chỉ riêng với khu vực ga tàu.

Thứ trưởng Đông chỉ rõ, việc xác định quỹ đất dành cho giao thông, theo quy định chung, với đô thị như Hà Nội và TPHCM đều được khuyến cáo phải đảm bảo tỷ lệ trên 20% nhưng hiện tại thực tế, diện tích đất cho giao thông tại 2 thành phố lớn nhất nước chỉ có 7-8%”.

Khẳng định Bộ GTVT sẽ nghiên cứu và có ý kiến cụ thể với Hà Nội trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phân tích, cần xem xét mật độ người dân sống ở khu vực đó, xem xét chỉ tiêu đất dành cho giao thông trong quy hoạch, rồi mật độ đường/nghìn dân…

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng phân tích, ga Hà Nội, theo quy hoạch chuyên ngành mà Thủ tướng đã quyết định, đây là ga trung tâm, đảm nhận cả nhiệm vụ vận tại nội địa và liên vận quốc tế, là đầu mối giao thông, kết nối cả giao thông quốc gia và đô thị, có tuyến đường sắt nội đô cắt qua.

Vì vậy, cần phải xem xét cả vấn đề giao thông trong khu vực đó và giao thông quốc gia với chỉ số mật độ hành khách trung chuyển qua khu vực này.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP