Kinh tế

Làm giàu với rau - củ - quả

Từ bỏ công việc quản đốc xưởng may công nghiệp, anh Ngô Đình Quyền về quê ở xứ cà phê làm giàu bằng đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ các cây nông sản ngắn ngày.

Vườn bắp cải của một nông hộ mà anh Quyền (bìa phải) liên kết đầu tưẢNH: TRUNG CHUYÊN

Nhiều năm nay, ở xã Ea Phê, H.Krông Pắk (Đắk Lắk), tên tuổi Ngô Đình Quyền trở nên thân thuộc, gần gũi với nông dân trong vùng. Chàng thanh niên 30 tuổi này được xem là mẫu người trẻ làm nông theo cách năng động, hiệu quả, đồng thời có ý thức giúp đỡ người khác cùng vươn lên thoát nghèo.

Ít ai biết buổi đầu Quyền lập thân với công việc ở một công ty may mặc. Vốn mơ ước trở thành người thiết kế thời trang nên sau khi tốt nghiệp THPT, Quyền thi vào học Khoa Thời trang - công nghệ may của Trường cao đẳng Bình Dương. Năm 2007, ra trường, anh vào làm ở một công ty may cùng tỉnh. Chỉ sau một thời gian ngắn, khả năng làm việc của Quyền được công ty ghi nhận, anh được cử làm quản đốc xưởng may với mức lương khá.

Tuy vậy, sau 4 năm gắn bó với nghề may công nghiệp, Quyền muốn thay đổi, tìm hướng đi mới. Những lần về thăm nhà, phụ việc với gia đình làm đại lý thu mua nông sản nhỏ khiến anh quyết định gắn bó với nhà nông nhưng bằng cách làm mới, có thể làm giàu cho bản thân và giúp ích cho cộng đồng. Từ năm 2011, anh tổ chức sản xuất trên đất của gia đình và đầu tư cho nhiều nông hộ khác trồng các loại rau, củ, quả như dưa leo, bắp cải, bí, mướp đắng, khoai lang Nhật...; sản phẩm làm ra được anh bao tiêu toàn bộ.

“Từ chỗ làm đại lý trung gian thu mua, tiêu thụ rau củ, tôi mới thấy người nông dân sản xuất còn theo kiểu nhỏ lẻ, các loại giống không cùng nguồn gốc, năng suất thấp nên mình khó có lượng sản phẩm hàng hóa lớn, lại thiếu đồng bộ về mẫu mã, chất lượng và tính chuyên nghiệp cao. Cần phải thay đổi từ khâu đầu vào thì đầu ra sản phẩm mới đạt yêu cầu”, anh Quyền nhìn nhận.

Chính từ suy nghĩ trên, anh dành nhiều thời gian đi tìm hiểu, học hỏi ở các vùng chuyên canh rau củ quy mô lớn trong nước và các cơ sở nghiên cứu giống cây chất lượng cao. Những chuyến đi còn giúp anh có nguồn giống tốt cung ứng cho nông dân, nắm bắt thông tin các vùng sản xuất khác để có thể điều tiết đầu tư trồng loại cây mà thị trường đang thiếu.

Cách đây 3 năm, anh Quyền đầu tư cho khoảng 20 hộ ở xã Ea Phê sản xuất các loại rau, củ, quả; với mức 5 triệu đồng/hộ, gồm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Đến nay, hơn 70 hộ nhận đầu tư từ anh để trồng khoảng 40 ha, với mức 30 - 40 triệu đồng/hộ. Mô hình này giúp nhiều nông dân phá thế độc canh cà phê, yên tâm mở rộng diện tích các loại cây ngắn ngày vì có nơi tiêu thụ ổn định. Mỗi ngày đại lý anh Quyền thu mua từ vài tấn đến vài chục tấn rau, củ, quả của các vườn cây quanh vùng; phân phối đến các chợ đầu mối trong tỉnh và đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận. Mỗi năm trừ chi phí, lợi nhuận anh thu được 450 - 500 triệu đồng. Anh cho biết sắp tới sẽ mở rộng mô hình liên kết đầu tư của mình sang những huyện khác để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, xây dựng bền vững vùng chuyên canh rau - củ - quả...

Anh Quyền còn có nhiều đóng góp cho phong trào thanh niên lập nghiệp. Năm 2013, anh tham gia thành lập Câu lạc bộ phát triển kinh tế Tường Minh, một mô hình giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp hiệu quả ở địa phương. Từ nguồn vốn góp cho vay hàng trăm triệu đồng của câu lạc bộ, 5 hộ thanh niên khó khăn trên địa bàn đã phát triển mô hình nuôi bò, dê; nhiều người khác đầu tư nuôi gia cầm, thâm canh cà phê, tiêu...

“Câu lạc bộ Tường Minh chúng tôi cũng đang triển khai mô hình trồng cây sả, tiến tới chế biến tinh dầu sả quy mô lớn. Hiện câu lạc bộ đầu tư cho 10 thanh niên trồng được 3 ha sả. Ngoài ra, câu lạc bộ sẽ trồng đại trà cây mãng cầu, một loại cây ăn trái có thị trường tiềm năng nhưng lâu nay ít được chú ý; hiện đã trồng gần 1.000 cây”, anh Quyền bộc bạch về những dự định của mình.

Tác giả bài viết: Trung Chuyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP