Kinh tế

Lại cầu cứu Bộ Công Thương bỏ thuế phần "Việt hoá" xe hơi trong nước

Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị trong nước của ngành ô tô giúp cân bằng chênh lệch về thuế phí giữa các sản phẩm nhập từ ASEAN với các sản phẩm lắp ráp trong nước, từ đó góp phần giảm giá thành ô tô, thúc đẩy nhu cầu thị trường trong nước đang phát triển rất tiềm năng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị Bộ này phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế phí, trong đó miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô và giảm thuế nhập khẩu linh kiện để hỗ trợ ngành hỗ trợ ô tô trong nước.

Cụ thể, theo Thành Công, hiện tại tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm ô tô Việt Nam ngoại trừ xe tải dưới 7 tấn và xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên còn khá thấp. Với thực trạng đó sẽ rất khó để các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước có thể xuất khẩu sang thị trường lân cận khi sân chơi bỏ thuế đang ngày càng rộng rãi với Việt Nam.

Sau kiến nghị lần 1 của Bộ Công Thương về bỏ thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng trong nước của xe ô tô tại Việt Nam, lần này DN lại đề xuất Bộ Công Thương can thiệp lần 2.


Chính vì vậy, doanh nghiệp (DN) mong chờ Bộ, cùng Chính phủ cần tìm giải pháp hợp lý nếu muốn ngành công nghiệp ô tô hội nhập được xu hướng phát triển toàn cầu.

Theo lãnh đạo của Thành Công: Bỏ thuế TTĐB đối với phần giá trị trong nước của ngành ô tô giúp cân bằng chênh lệch về thuế phí giữa các sản phẩm nhập từ ASEAN với các sản phẩm lắp ráp trong nước, từ đó góp phần giảm giá thành ô tô, thúc đẩy nhu cầu thị trường trong nước đang phát triển rất tiềm năng.

Doanh nghiệp này lấy con số của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) làm minh chứng: Năm 2017, toàn thị trường ô tô đạt doanh thu 278.600 xe, giảm 9,3%, trong đó xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi gần 173.500 chiếc, giảm gần 10% so với năm trước. Từ năm 2018 trở đi các hãng xe hơi liên doanh tại Thái Lan và 1 số nước ASEAN khác sẽ có thuế nhập khẩu 0%, sức ép cạnh tranh và giá xe ngày càng mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, Nghị định 125/2017 đưa ra ưu đãi thuế nhập nhưng chưa đủ mạnh để tạo ưu thế đáng kể cho các sản phẩm lắp ráp trong nước. Chính vì vậy, muốn phát triển được ngành ô tô trong nước có thương hiệu riêng, giá rẻ cần hỗ trợ chính sách có trọng tâm, trọng điểm.

Ngoài đề xuất miễn thuế TTĐB, Thành Công còn mong muốn miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với các cam kết của DN về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ.

"Các nguyên vật liệu thô như thép, cao su, nhựa và chất dẻo còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Tất cả điều đó đã làm cho DN đầu tư sản xuất linh kiện rất khó cạnh tranh và chi phí đầu vào cao, trong khi nhu cầu đầu ra chưa đủ lớn", đơn kiến nghị của DN cho hay.

Ngoài ra, Thành Công cũng kiến nghị nên cho DN được áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện nay. "Việc bảo lãnh thanh toán thuế chỉ có thời hạn tối đa 30 ngày là quá ngắn so với thời hạn rà soát và hoàn trả thuế cho DN", DN Thành Công cho biết.

Về dài hạn, nhà lắp ráp Hyundai tại Việt Nam cho rằng: Giải pháp dài hạn của Việt Nam phải thực hiện là cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia cho các dự án ô tô lớn.

Bên cạnh đó, xe hơi Việt cần tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN, điều này nhằm tạo điều kiện cho DN trong nước tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.

Trước đó, Bộ Tài chính trong một tập hợp ý kiến và phản hồi ý kiến, đề xuất của các bộ, ngành, hiệp hội và cá nhân đã bác đề xuất miễn giảm thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng trong nước (linh kiện, phụ tùng).

Bộ Tài chính cho rằng: Phương án miễn thuế TTĐB chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia (NT) nêu tại Điều III, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT. Chính vì thế bộ này sau đó đưa ra hai phương án, đề nghị thực hiện phương án không ưu đãi thuế cho xe sản xuất trong nước cũng như linh kiện “made in Vietnam”.

Với sự dứt khoát bác bỏ của Bộ Tài chính, nhiều DN, người tiêu dùng lo ngại chi phí DN sản xuất xe hơi tại Việt Nam đã cao hơn, nay lại thua thiệt so với xe Thái Lan, Indonesia khi hưởng thuế 0% từ ngày 1/1/2018. Và viễn cảnh xe Việt giá rẻ sẽ khó thành sự thật.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP